Chuyên gia quốc tế: Thay vì tập trung vào Trung Quốc, Mỹ nên cứu vãn quan hệ với EU
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ ngày 11 tháng 7 năm 2018. Ảnh: Reinhard Krause | Reuters
Việc Washington thiếu quan tâm đến các vấn đề châu Âu là một sai lầm phải trả đắt đối với Mỹ. Việc Đức từ chối hỗ trợ tăng trưởng cho lục địa này cũng đang khiến châu Âu càng thêm khó khăn, trong khi đó, đây là thị trương quan trọng của Mỹ. Chỉ tính riêng hai tháng đầu năm nay, Mỹ đã xuất khẩu 63,4 tỷ USD hàng hoá vào châu Âu – chiếm một phần tư toàn bộ doanh số bán hàng hóa của Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Thật khập khiễng nếu so sánh với 15,6 tỷ đô la xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian. Và doanh số bán hàng Trung Quốc cũng đã giảm 20,4% so với hai tháng đầu năm ngoái.
Mỹ đang lãng phí thời gian khi cố gắng điều chỉnh kinh tế Trung Quốc. Đã đến lúc Washington nhận ra rằng Trung Quốc - với tư cách là một cường quốc - sẽ tự làm việc của họ, theo cách riêng của họ và trong thời gian mà họ muốn. Cải cách cấu trúc kinh tế Trung Quốc nên được thúc đẩy thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và nếu tất cả các biện pháp khác đều thất bại, thì mới dùng đến các công cụ thương mại song phương.
Ưu tiên của Washington nên là nhanh chóng cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc. Còn quá sớm để nói rằng tình hình đang có tiến triển, nhưng mức giảm 9,2% trong thặng dư thương mại của Bắc Kinh với Mỹ trong hai tháng đầu năm nay có thể là một khởi đầu tốt.
Làm nóng mối quan hệ Mỹ - Đức
Trung Quốc nên nhanh chóng thoát khỏi cuộc chiến thương mại mà chính họ tạo ra với Mỹ. Bắc Kinh còn đang có quá nhiều thứ khác phải xử lý như vấn đề về Đài Loan, Tây Tạng, tranh chấp trên biển Đông, phức tạp trên bán đảo Triều Tiên, tam giác chiến lược Trung - Nhật - Hàn và sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu“vành đai và con đường.”
Về phần mình, Mỹ không có được lợi ích chiến lược nào từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Nó chỉ gây ồn ào và khiến Mỹ mất tập trung đối với việc cần làm là giữ vững liên minh xuyên Đại Tây Dương cực kỳ quan trọng của mình. Châu Âu mới là nơi đóng góp cực kỳ quan trọng đối với hoạt động và thu nhập của Mỹ và cung cấp cho họ sự hỗ trợ cần thiết để duy trì trật tự thế giới phương Tây.
Chính quyền Mỹ hiện tại sẽ thất bại ngay nếu phá hủy quan hệ đồng minh với châu Âu bằng những chuyện nhỏ nhặt, phá hỏng một liên minh châu Âu thống nhất đã mang lại hòa bình và thịnh vượng cho cả lục địa này, nơi đã thắp sáng thế giới hai lần vào thế kỷ trước.
Gần đây, Quốc hội Mỹ đã đi một bước quan trọng nhằm khắc phục thiệt hại đó bằng việc gửi lời mời cho Tổng thư ký NATO tham dự phiên làm việc chung của các nhà lập pháp Mỹ tại Capitol Hill. Người tiếp theo mà Quốc hội có thể muốn mời là Chủ tịch đảng đang cầm quyền tại Đức Frank-Walter Steinmeier, một chính khách có suy nghĩ thấu đáo, một người châu Âu đầy nhiệt huyết và là người ủng hộ triệt để sự thống nhất của hai bờ Đại Tây Dương.
Động thái có tính biểu tượng này mới chỉ là bước đầu của một chặng đường dài nhằm sửa chữa quan hệ lạnh nhạt đáng tiếc và hoàn toàn vô nghĩa giữa Mỹ với Đức - hai đồng minh quan trọng nhất của phương Tây.
Cần thực hiện càng sớm càng tốt, hơn là để xảy ra một cuộc đối đầu thương mại xuyên Đại Tây Dương đang manh nha sau những bất đồng dường như không thể kiểm soát được về các vấn dề như hiệp định hạt nhân với Iran, tiến trình hòa bình Trung Đông, quan hệ với Trung Quốc và Nga.
Chính trong bối cảnh chính trị như vậy, Đức lại có những phản ứng không thống nhất trước một nhu cầu rõ ràng và cấp bách là phải thoát khởi suy thoái theo chu kỳ ở khu vực đồng euro và phần còn lại của châu Âu.
Tăng cường kinh tế xuyên Đại Tây Dương
Thái độ đó của Đức thể hiện khi chính phủ Đức gần đây đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của họ trong năm nay xuống 0,5% so với mức 1% được công bố vào tháng 1 năm ngoái.
Người Đức cho rằng không ai có lỗi. Họ nói rằng tất cả đều là do các cuộc chiến và chính sách thương mại của Washington đã làm suy yếu hòa bình và an ninh thế giới.
Bị phân tâm bởi quan hệ thương mại Trung Quốc, các quan chức kinh tế và chính trị Mỹ không có phản hồi nào khi quan điểm trên của Đức được chia sẻ rộng rãi trong phiên họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Washington, D.C. diễn ra vào tuần trước
Do đó, Đức thoát khỏi trách nhiệm, bởi Berlin, hoặc bất kỳ chính phủ nào, cũng không thể ngăn chặn được sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu trong khi Mỹ vẫn đang tiếp tục phá hoại trật tự thế giới vốn dựa trên hệ thống thương mại đa phương và sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các điểm nóng toàn cầu.
Tuy nhiên, để giảm bớt áp lực hướng vào Đức, Bộ trưởng Tài chính Đức đã hứa giảm 10 tỷ euro tiền thuế hàng năm và chi thêm 1,25 tỷ euro nhằm khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển - tổng mức chi lên tới 0,3% GDP của Đức hứa hẹn sẽ đưa nước này trở lại mức tăng trưởng 1,5% trong năm 2020.
Điều này thật nực cười. Washington nên nói chuyện với người Đức để có thể đưa ra một kế hoạch đáng tin cậy nhằm tái khởi động nền kinh tế EU. Mặt khác, Berlin sẽ chịu nhiều áp lực là phải có bước đi cụ thể trong hội nghị G-20 tiếp theo - diễn đàn kinh tế quan trọng của thế giới - tại Osaka, Nhật Bản vào ngày 28 và 29/6. Những người đồng cam cộng khổ từ lâu với Berlin như Pháp và Ý cũng nên tham gia cùng với Quỹ tiền tệ quốc tế và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế.
Sẽ rất đáng tiếc nếu Đức tiếp tục sai lầm. Thật vậy, làm thế nào một nền kinh tế 3,8 nghìn tỷ USD giờ đang trượt vào suy thoái với mức tăng trưởng ước tính chỉ 0,5%, lại có thể nhanh chóng phục hồi lên mức 1,5% trong năm tới nhờ vào sức mạnh của một biện pháp kích thích tài chính (theo giả thuyết) là 0,3% GDP?
Rõ ràng là Đức dựa vào tăng trưởng xuất khẩu, trên cơ sở Pháp nới rộng tài khóa (đây trước giờ là thị trường xuất khẩu lớn nhất khu vực châu Âu của Đức với quy mô 105,3 tỷ euro), tăng trưởng mạnh của thị trường Mỹ (đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức với quy mô 113,3 tỷ euro) và đặc quyền tiếp cận vào Trung Quốc, nơi Đức xuất khẩu được với tốc độ 90 tỷ euro/năm trong hai tháng đầu năm nay.
Suy nghĩ về đầu tư
Mỹ nên dừng nỗ lực cải cách nền kinh tế Trung Quốc và thay vào đó họ nên đặt trọng tâm vào việc giảm nhanh khoản thâm hụt thương mại khổng lồ với nước này.
Đối đầu với EU trong thương mại mới là không khôn ngoan. Washington nên lựa chọn một giải pháp hòa giải giữa những người bạn thân và đồng minh.
Phục hồi mối quan hệ tốt đẹp và tin cậy với Đức là một bước cực kỳ quan trọng để đạt được mục tiêu đó. Điều đó cũng sẽ mở đường cho Đức có thể hỗ trợ mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế của Châu Âu - thị trường chiếm 1/4 xuất khẩu của Hoa Kỳ và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quản lý các mối quan hệ đồng mình về kinh tế, chính trị và an ninh với phần còn lại của thế giới.
Sau khi đã làm rõ được việc Tổng thống Mỹ không thông đồng với Nga để thắng cử và trong bối cảnh chiến dịch tái tranh cử của ông Trump đang khởi động, Nhà Trắng sẽ nỗ lực củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương và tái khẳng định trật tự thế giới phương Tây.
Bình luận của Michael Ivanovitch, một nhà phân tích độc lập tập trung vào kinh tế thế giới, địa chính trị và chiến lược đầu tư. Ông từng là một nhà kinh tế cao cấp của OECD ở Paris, nhà kinh tế quốc tế tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và giảng dạy kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia.