Cổ phiếu loạt đại gia công nghệ TQ rớt thảm, Hang Seng mất 1,5 nghìn tỷ USD: Nhà đầu tư vẫn chưa thấy đáy

21/08/2021 10:06 GMT+7
Dù chỉ số Hang Seng của Hong Kong, nơi hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết, đã bốc hơi 1,5 nghìn tỷ USD trong nửa năm qua sau đợt siết chặt quy định của Bắc Kinh, nhà đầu tư vẫn không vội bắt đáy khi ngày càng xuất hiện nhiều rủi ro trong lĩnh vực công nghệ.

Một đợt bán tháo cổ phiếu do động thái siết chặt quản lý của Bắc Kinh đã khiến cổ phiếu Tencent Holdings rớt giá xuống mạnh mẽ, với tỷ lệ sụt giảm còn mạnh mẽ hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Riêng trong tháng 7, cổ phiếu Tencent đã bay hơi 20%. Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba không khá khẩm hơn khi chứng kiến giá cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong lao dốc xuống mức thấp kỷ lục.

Mặc dù định giá Tencent và Alibaba - hai gã khổng lồ công nghệ hàng đầu Trung Quốc - đang giảm sâu như vậy, tờ Bloomberg chỉ ra rằng tốc độ dòng tiền chảy ra từ các quỹ cho thấy rất ít tín hiệu mua vào để bắt đáy.

Alex Au, giám đốc điều hành tại Alphalex Capital Management (Hong Kong, Trung Quốc) nhận định: “Tôi không nghĩ (chiến dịch siết chặt quy định công nghệ của Bắc Kinh) sẽ sớm kết thúc. Nhà đầu tư cần đánh giá lại rủi ro khi đổ tiền vào Trung Quốc”.

Cổ phiếu loạt đại gia công nghệ TQ rớt thảm, Hang Seng mất 1,5 nghìn tỷ USD: Nhà đầu tư vẫn chưa thấy đáy - Ảnh 1.

Loạt công ty công nghệ TQ mất hàng nghìn tỷ USD khi cổ phiếu rớt kỷ lục, nhà đầu tư vẫn chưa thấy đáy (Ảnh: Bloomberg)

Chính Tencent trong tuần này đã cảnh báo nhà đầu tư chuẩn bị cho các quy định hạn chế siết chặt hơn với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Các chuyên gia quan sát cũng nhận định công nghệ là lĩnh vực dễ tổn thương nhất trong chiến dịch siết chặt quy định pháp lý hàng loạt ngành mà Bắc Kinh đang theo đuổi.

Kể từ khi đạt mức đỉnh vào tháng 2 đến nay, 4 công ty Trung Quốc có định giá giảm sâu nhất đều là các ông lớn công nghệ. Định giá Tencent, Alibaba, Kuaishou Technology và Meituan đã giảm tổng cộng hơn 1 nghìn tỷ USD trong thời gian này. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong, nơi hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết, đã mất hơn 40% trong cùng kỳ, với 1,5 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường bốc hơi.

Sean Taylor, Giám đốc đầu tư tại APAC và người đứng đầu bộ phận thị trường mới nổi tại tổ chức nghiên cứu DWS nhận định với tình trạng bất ổn như hiện nay, thật khó để nói rằng cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đang chạm xuống điểm mà nhà đầu tư có thể bắt đáy. “Chúng ta không biết đáy nằm ở đâu”.

Dữ liệu của Bloomberg cho thấy cổ phiếu Tencent đã bị bán ròng kể từ tháng 6 đến nay. 

Các nhà đầu tư đại lục, những người mua lớn cổ phiếu công nghệ khi các nhà giao dịch nước ngoài bán vào tháng 2 và tháng 3, đã chuyển sang bán ròng Tencent kể từ tháng 6, theo dữ liệu của Bloomberg. 

Li Weiqing, một nhà quản lý quỹ  tại JH Investment Management Co. (Thâm Quyến) cho hay tín hiệu mua sẽ chỉ được khơi dậy chừng nào Bắc Kinh có chính sách rõ ràng về quy định hoặc kết thúc chiến dịch siết chặt quy định này.

Môi trường chính sách không thuận lợi cũng buộc các đại gia công nghệ Trung Quốc tạm hoãn nhiều kế hoạch mở rộng. Trong khi đó, áp lực từ cơ quan chống độc quyền cũng khiến họ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Gần đây, Alibaba đã báo cáo doanh thu không đạt mức dự báo cho tốc độ tăng trưởng chậm chạp ở hàng loạt bộ phận kinh doanh, từ mảng kinh doanh đám mây đến thương mại điện tử. Còn Tencent cũng báo cáo tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng quý chậm nhất kể từ đầu năm 2019, đồng thời tuyên bố sẽ tăng gấp đôi số tiền chi cho hoạt động xã hội lên mức 15 tỷ USD trong bối cảnh hãng này lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, lạc quan hơn, ông Louis Lau, giám đốc đầu tư của Brandes Investment Partners cho hay: “Khi bạn nhìn từ góc độ cụ thể và tách biệt ra khỏi tổng thể, bạn sẽ thấy rằng một số cổ phiếu công nghệ đang giao dịch thấp hơn đáng kể so với hoạt động kinh doanh cốt lõi và các mảng kinh doanh bổ trợ của doanh nghiệp. 5 năm kể từ lúc này, tôi nghĩ đây sẽ là một trong những cơ hội gom hàng lớn nhất”.


NTTD
Cùng chuyên mục