Nhìn lại tuần bán tháo điên cuồng trên TTCK Trung Quốc: Đầu tư vào TQ không dành cho ai yếu tim

31/07/2021 10:47 GMT+7
Chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua một tuần giao dịch điên cuồng khi hơn 1 nghìn tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường do hàng loạt lệnh hạn chế mới của chính phủ Bắc Kinh.

Một tuần bán tháo điên cuồng đã thổi bay 1 nghìn tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc. Một số nhà đầu tư nhận ra cơ hội bắt đáy khi mức định giá nhiều cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Nhưng số khác ít lạc quan hơn, cho rằng làn sóng siết chặt quy định của Bắc Kinh sẽ còn kéo dài khi chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình theo đuổi một trong những đợt cải cách chính sách kinh tế mạnh mẽ nhất kể từ thập niên 80 đến nay.

Dưới đây là những gì đã diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tuần điên cuồng vừa qua (23/7 - 30/7).

Nhìn lại tuần bán tháo điên cuồng trên TTCK Trung Quốc: Đầu tư vào TQ không dành cho ai yếu tim - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua tuần giao dịch đỏ lửa với làn sóng bán tháo ồ ạt trên nhiều lĩnh vực (Ảnh: AFP)

Thứ Sáu ngày 23/7

Làn sóng bán tháo bắt đầu nhen nhóm trên thị trường sau khi Bắc Kinh tuyên bố siết chặt quy định với ngành công nghiệp dạy thêm đang bùng nổ của Trung Quốc. Quy định mới nghiêm cấm các cơ sở giáo dục cung cấp dịch vụ giảng dạy nội dung trong trường học theo hình thức kiếm lợi nhuận, huy động vốn hoặc cổ phần hóa. Theo quy định này, tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ dạy thêm theo chương trình giảng dạy tại trường học sẽ trở thành các tổ chức phi lợi nhuận, ngoài ra không được cấp giấy phép hoạt động mới. Sự thay đổi quy chế đã ảnh hưởng đến hàng loạt công ty giáo dục vì lợi nhuận của Trung Quốc, khiến cổ phiếu các công ty này lao dốc không phanh.

Chốt phiên giao dịch cùng ngày, chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tụt 1,5%.

Thứ Bảy, ngày 24/7

Chính phủ Trung Quốc bất ngờ cấm Tencent tham gia các thỏa thuận độc quyền bản quyền âm nhạc do quan ngại hành vi cạnh tranh không công bằng sau khi mua lại tập đoàn China Music Corporation. Đây được xem là động thái mới nhất trong chiến dịch của Bắc Kinh nhằm siết chặt quy định nhằm vào các gã khổng lồ công nghệ trong nhiều tháng qua.

Thứ hai, ngày 26/7

Chứng khoán Trung Quốc bắt đầu một phiên giao dịch tồi tệ. Hiện tượng bán tháo cực đoan khởi đầu trong lĩnh vực công nghệ trước khi lan rộng toàn thị trường. Chỉ số CSI 300 - theo dõi các cổ phiếu lớn nhất được niêm yết ở Trung Quốc đại lục giảm hơn 3% trong phiên. 

Cùng ngày, chính phủ Trung Quốc tiếp tục đưa ra các quy định mới về lương cơ bản cho nhân viên giao hàng, áp dụng với các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến. Cổ phiếu gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan tụt hơn 15%.

Herald van der Linde, chiến lược gia cổ phần khu vực Châu Á Thái Bình Dương của HSBC Holdings Plc nhận định: “Phiên giảm thứ Sáu và thứ Hai vừa qua lần nữa đưa tôi trở lại những ngày trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990”.

Thứ ba, ngày 27/7

Cổ phiếu tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande - vốn đang ôm bom nợ lớn và đối diện hàng loạt nguy cơ tài chính - đã lao dốc 13,41% trong phiên giao dịch hôm 27/7 sau tuyên bố hủy đợt trả cổ tức đặc biệt. Là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc nhưng China Evergrande đang đối diện nguy cơ lớn trong nhiều tháng qua khi gánh nặng nợ tăng vọt trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát lĩnh vực bất động sản. 

Cùng ngày, Tencent tuyên bố ngừng chấp nhận tài khoản đăng ký mới trên ứng dụng WeChat cho đến khoảng đầu tháng 8 để “nâng cấp kỹ thuật bảo mật”. Các nhà đầu tư coi đó là một lý do để bán tháo. Cổ phiếu Tencent giảm 9% trong phiên.

Một tin đồn tiêu cực khác ập đến vào giờ chiều rằng các quỹ đầu tư của Mỹ đang bán bớt tài sản tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong, khiến làn sóng bán tháo càng trở nên ồ ạt. 

Thứ tư, ngày 28/7

Trước làn sóng bán tháo vượt tầm kiểm soát, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc vội vàng sắp xếp một cuộc họp trực tuyến với các ngân hàng đầu tư lớn bao gồm Goldman Sachs Group Inc. và UBS Group AG nhằm trấn an thị trường. Trong đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc Fang Xinghai khẳng định Bắc Kinh vẫn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước niêm yết tại nước ngoài, miễn là tuân thủ đầy đủ yêu cầu của các cơ quan quản lý.

Thứ năm, ngày 29/7

Phiên tăng đầu tiên trong 5 ngày liên tiếp đã giúp xoa dịu phần nào các nhà đầu tư, chỉ số Hang Seng kết thúc phiên phục hồi 3,3%. Nhưng lời cảnh báo về sự hỗn loạn trên thị trường vẫn còn tồn tại. Các nhà phân tích Kinger Lau và Timothy Moe của Goldman Sachs Group Inc. cho hay hàng loạt động thái siết chặt quy định dồn dập của Bắc Kinh đang khiến nhiều nhà đầu tư tự hỏi liệu thị trường chứng khoán Trung Quốc có đang trở nên quá rủi ro. 

Thứ sáu, ngày 30/7

Chỉ sau 1 phiên phục hồi, thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục chìm trong sắc đỏ với đà bán tháo mạnh mẽ. Các cổ phiếu công nghệ quay đầu lao dốc, từ Meituan cho đến Tencent và Alibaba. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng bốc hơi 2%. Tại đại lục, Shenzhen Component mất 1,25% và Shanghai Composite mất hơn 1%. Chỉ số CSI 300 giảm 1% trong ngày và giảm 5,5% trong tuần, trên đường hướng tới mức giảm khoảng 8% trong tháng - tức mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2018. 

Nguyên nhân chính dẫn đến sự phục hồi làn sóng bán tháo vẫn là những lo ngại của nhà đầu tư về môi trường pháp lý bất ổn khi chính phủ Bắc Kinh liên tiếp siết chặt quản lý trên nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, tài chính, bất động sản cho đến giáo dục.

Nirgunan Tiruchelvam, một nhà phân tích tại Tellimer nhận định: "Đầu tư vào Trung Quốc không dành cho những ai yếu tim".


NTTD
Cùng chuyên mục