CPTPP: Câu chuyện nông nghiệp của New Zealand và kinh nghiệm cho nông sản Việt
Phát biểu tại Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và Thách thức cho nông sản Việt”, bà Lisa Winthrop, tham tán Nông nghiệp New Zealand khẳng định CPTPP là một hiệp định thương mại tự do cao cấp và tiến bộ, là cơ hội lớn cho Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn khoảng 500 triệu dân, mà New Zealand chỉ là một quốc gia nhỏ trong đó.
Từ câu chuyện nông nghiệp của New Zealand...
New Zealand từ lâu đã được biết đến là đất nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ gắn liền với ứng dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật. Trong những năm trở lại đây, New Zealand là một trong những đối tác kinh tế quan trọng giúp đỡ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như tăng cường trình độ quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu giống cây trồng vật nuôi, dự đoán và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu…
Năm 2018, xuất khẩu nông sản của New Zealand ước đạt hơn 30 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2017, một con số ấn tượng. Ngành chăn nuôi và nông nghiệp hữu cơ của New Zealand được đánh giá cao về trình độ sản xuất, năng suất và chất lượng. Bởi vậy, khi Việt Nam tham gia CPTPP, nhiều chuyên gia đã lo ngại ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung bị tổn thương trước hàng loạt thị trường phát triển như Nhật Bản, New Zealand, Australia.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Lisa đã viện dẫn câu chuyện phát triển nông nghiệp của New Zealand để đưa ra những bài học thiết thực cho nông sản Việt trên sân chơi CPTPP. New Zealand không phải một nước lớn, với dân số 5 triệu dân với diện tích chỉ bằng ⅔ Việt Nam. Thậm chí, khoảng cách địa lý xa xôi giữa New Zealand với các thị trường quốc tế cũng là một trở ngại lớn với xuất khẩu nông sản cũng như các hoạt động thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, một nét tương đồng với Việt Nam, New Zealand cũng là quốc gia nông nghiệp, với nông sản chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu và 11% GDP cả nước. Nhân lực trong ngành nông sản chiếm khoảng 15% cơ cấu lực lượng lao động. Trong tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, New Zealand là quốc gia có trợ cấp nông nghiệp lớn nhất. Do đó, những bài học của New Zealand chắc chắn sẽ là kinh nghiệm quý giá với Việt Nam trên con đường đưa nông sản Việt ra thế giới.
Bà Lisa Winthrop, Tham tán nông nghiệp New Zealand phát biểu tại Hội thảo "CPTPP: cơ hội và thách thức cho nông sản Việt"
...Đến 4 bài học cho nông sản Việt Nam
Theo bà Lisa Winthrop, có rất nhiều yếu tố góp phần vào sự tiến bộ của New Zealand, từ nghiên cứu phát triển giống và công nghệ, công tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng, nghiên cứu nhu cầu quốc tế và diễn biến thị trường… Tuy nhiên, tổng kết lại, bà chia sẻ 4 yếu tố lớn nhất gắn bó khăng khít với nhau giúp New Zealand phát triển ngành nông nghiệp để đón gió CPTPP cũng như đưa nông sản ra thị trường thế giới.
Thứ nhất, New Zealand luôn trở thành thành viên tích cực của các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thú y như Tổ chức bảo vệ thực vật, Tổ chức kiểm dịch động thực vật, Tổ chức nông lương thế giới...để nắm bắt chặt chẽ luật chơi trên sân chơi thương mại toàn cầu.
Với một nước nhỏ như New Zealand, đây là yếu tố vô cùng quan trọng để đưa nông sản vượt qua ngưỡng cửa nội địa, thâm nhập và đứng vững trên thị trường quốc tế. Nhất là trong một hiệp định thương mại cao cấp và tiến bộ như CPTPP, những hạn ngạch liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc...càng khắt khe hơn bao giờ hết. Chỉ có nắm rõ và thích nghi với những hạn ngạch ấy mới là con đường bền vững cho xuất khẩu.
Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm nông sản, đa dạng hóa thị trường nhằm tăng tính cạnh tranh của mặt hàng nông sản New Zealand trên thị trường quốc tế. Những nỗ lực này là để đảm bảo New Zealand có chỗ đứng nhất định trong chuỗi xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong những năm qua, New Zealand đã làm rất tốt trong việc tìm hiểu, định hướng và thích nghi với thương mại quốc tế theo phương châm “thị trường nào sản phẩm nấy” thông qua công tác dự báo thị trường hiệu quả. Việc đa dạng hóa sản phẩm nông sản còn thúc đẩy chuyên môn vùng nông sản trọng điểm, phát triển thương hiệu nông sản địa phương, có lợi trong đáp ứng tiêu chí xuất xứ nguồn gốc nông sản.
Thứ ba, phải kể vai trò to lớn của Chính phủ và Hiệp hội trong việc liên kết chặt chẽ doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhu cầu thị trường.
“Tại New Zealand, mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong một ngành hết sức chặt chẽ, những Hiệp hội đóng vai trò định hướng và đảm bảo quyền lợi chung cùng môi trường cạnh tranh lành mạnh của ngành. Sự hợp tác này giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của nông sản trên thị trường quốc tế, đồng thời tạo ra chuỗi sản xuất, xuất khẩu mang tính chuyên môn hóa, đảm bảo phân công lao động hợp lý trong từng ngành” - bà Lisa nhận định.
Thứ tư, ưu tiên ngành xuất khẩu mũi nhọn để tận dụng phù hợp và hiệu quả nguồn lực hạn chế của New Zealand.
Để làm được điều này, Chính phủ New Zealand đã phối hợp chặt chẽ với hiệp hội các nhà xuất khẩu để lắng nghe, đánh giá qua hàng loạt tiêu chí linh hoạt, xác định các ngành, nhóm ngành chú trọng mỗi năm phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường. Các tiêu chí không chỉ được xem xét trên lợi ích ròng mà ngành mang lại trong kim ngạch xuất khẩu, mà còn xem xét trên góc độ vĩ mô và mục tiêu phát triển bền vững. “Tôi biết sẽ cần nhiều thời gian để xây dựng, triển khai những yếu tố này, nhưng mục tiêu dài hạn là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.”
“Tại New Zealand, chúng tôi quan điểm không cần là nhà xuất khẩu lớn nhất, nhưng phải là nhà xuất khẩu thu về lợi nhuận nhiều nhất”. Điều này trái ngược hẳn với thực trạng xuất khẩu tại Việt Nam, năng lực sản xuất và khối lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng chưa cao do chủ yếu là xuất khẩu nông sản thô, chất lượng không đồng đều, giá thành rẻ.
Đặt trong bối cảnh CPTPP, khi tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và sở hữu trí tuệ... trở thành những hạn ngạch phi thuế quan quan trọng, việc ứng dụng công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế là xu hướng tất yếu mà Việt Nam bắt buộc phải đạt được nếu muốn góp mặt tại những sân chơi lớn. Và để làm được điều này, thì 4 bài học từ câu chuyện phát triển nông nghiệp của New Zealand là những kinh nghiệm đắt giá.
“ Tôi hiểu rằng mỗi nền kinh tế có một bối cảnh văn hóa xã hội, kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, toàn cầu hóa là xu hướng chung mà chúng ta hướng tới” - bà Lisa kết thúc bài phát biểu.