CTCK SSI: Năm 2020 động lực tăng trưởng sẽ đến từ nhiều yếu tố

06/12/2019 06:20 GMT+7
Tín dụng cho vay mua nhà, sửa chữa nhà tăng 19,5% trong khi cho vay kinh doanh bất động sản 8 tháng chỉ 5,6%. Việt Nam tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong năm 2020 với mức tăng GDP đạt 6,8%, lạm phát dưới 4%.

Sáng nay (5/12), Công ty Chứng khoán SSI phối hợp cùng Tập đoàn Novaland tổ chức hội thảo Kinh tế vĩ mô - thị trường bất động sản 2020 trong khuôn khổ Triển lãm Novaland Expo 2019.

Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020

Theo ông Phạm Lưu Hưng,  Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn tài chính SSI, kinh tế thế giới năm 2020 không có dấu hiệu khủng hoảng. Một số nơi như Nhật Bản, EU có dấu hiệu suy thoái còn Việt Nam chắc chắn không. Là năm cuối chu kỳ 5 năm (2016 - 2020), đại diện SSI cho rằng tăng trưởng GDP sẽ đạt được 6,8%. Tỷ lệ lạm phát tiếp tục được kiểm soát dưới 4%.

Động lực tăng trưởng năm 2020 sẽ đến từ nhiều yếu tố, dựa trên nền tảng số liệu 11 tháng, như vốn FDI đăng ký vào ngành chế biến chế tạo tăng 24,5%; xuất siêu kỷ lục trong năm 2018 và 11 tháng 2019; xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 28%, chủ yếu với các mặt hàng như điện thoại, đồ gỗ; Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2019 (khoảng 5,4 triệu USD), tiếp theo là Hàn Quốc và Nhật Bản. Chưa kể, các hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể sẽ được phê chuẩn vào năm sau.

Đại diện SSI: Động lực tăng trưởng năm 2020 sẽ đến từ nhiều yếu tố - Ảnh 1.

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn tài chính SSI. Ảnh: B.Linh.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam 2020 cũng có một số điểm cần lưu ý như lãi suất tiền gửi giảm 0,5%, lãi suất cho vay giảm 0,3% (trung bình); tăng trưởng tín dụng phải đạt 13 - 14%, nếu chỉ ở mức 10 - 11% là đáng lo ngại.

Một vấn đề khác cần đề cập là lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Năm 2019 chỉ có 3 DNNN cổ phần hóa và theo kế hoạch 2020 là 93 doanh nghiệp, cổ phần hóa theo 3 mức tỷ lệ Nhà nước nắm giữ (trên 65%, 50 - 65% và dưới 50%). Tuy nhiên, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa là Quyền sử dụng đất/Định giá đất vẫn chờ hướng dẫn từ Bộ Tài nguyên và môi trường.

Tín dụng ngân hàng vào bất động sản chưa bị siết

Ông Phạm Lưu Hưng cho biết từ khi có Thông tư 22, nhiều người lo ngại tín dụng ngân hàng vào bất động sản sẽ bị siết nhưng ông không thấy điều này.

Ngày 15/11, Ngân hàng Nhà nước có ban hành Thông tư 22 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 1/1/2020. Theo đó từ ngày 1/1/2020 đến 30/9/2020, tỷ lệ này là 40%, giảm dần đến tháng 10/2022 còn 30%.


Còn việc sửa Thông tư 22, bản dự thảo ban đầu quy định mức chặn với khoản vay rủi ro 100% là 3 tỷ đồng. Tuy nhiên trong văn bản chính thức, khoản vay được chặn ở mức 4 tỷ đồng và là khoản vay tiêu dùng, gồm cả BĐS. Theo ông Hưng, con số trên là hợp lý cho một khoản vay và càng thể hiện không thấy dấu hiệu siết tín dụng BĐS.Số liệu cho thấy tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng 8 tháng tăng 8,5%, trong khi tín dụng BĐS tăng 14,58%. Nếu trừ tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản (cho chủ đầu tư) thì tín dụng cho vay mua nhà, sửa chữa nhà tăng 19,5%. Như vậy, siết tín dụng cho vay không xảy ra trên thực tế.

Đại diện SSI: Động lực tăng trưởng năm 2020 sẽ đến từ nhiều yếu tố - Ảnh 3.

Ước tính doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng lợi nhuận khoảng 18,3% năm 2020

Đại diện SSI cho rằng các doanh nghiệp niêm yết có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 18,3% vào năm 2020, tăng so với mức 14,1% của năm 2019. Các ngành được dự báo có tăng trưởng cao trong năm 2020 bao gồm tài chính, tiêu dùng không thiết yếu và vật liệu xây dựng.

Nếu loại trừ khối ngân hàng, mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 và 2020 lần lượt là 10,5% và 11,5%. Nếu loại trừ khối ngân hàng và các doanh nghiệp thuộc "nhóm Vingroup", mức tăng trưởng lần lượt 5,6% và 8,9%.

Theo Người đồng hành
Cùng chuyên mục