Đa số doanh nghiệp Mỹ phớt lờ lời kêu gọi rời Trung Quốc của ông Trump
Theo kết quả khảo sát thường niên mà Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải vừa công bố hôm 9/9, chỉ 4% trong số 200 nhà sản xuất Mỹ được hỏi cho biết sẽ chuyển hoạt động về quê nhà theo lời kêu gọi của ông Trump. Hơn 75% cho biết họ không có ý định chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và 14% khác có ý định chuyển một số hoạt động sang các quốc gia khác. 7% còn lại đang phân vân giữa việc chuyển sản xuất về Mỹ và sang các thị trường lân cận.
“Đông Nam Á là điểm đến được cân nhắc nhiều nhất chứ không phải Mỹ” - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Amcham (Thượng Hải), ông Ker Gibbs cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ Bloomberg.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ tham gia khảo sát tỏ ra bi quan về quan hệ Mỹ Trung, với 26,9% câu trả lời cho rằng căng thẳng thương mại sẽ kéo dài vô thời hạn, tăng từ con số 16,9% trong cuộc khảo sát thực hiện hồi năm ngoái. 22,5% khác dự đoán căng thẳng thương mại sẽ kéo dài từ 3-5 năm, tăng từ con số 12,7% vào năm 2019.
Amcham Thượng Hải cũng chỉ ra rằng hầu hết các công ty Mỹ không có kế hoạch cắt giảm việc làm tại thị trường Trung Quốc. 2/3 doanh nghiệp được hỏi cho biết họ sẽ duy trì hoặc thậm chí mở rộng quy mô nhân viên tại thị trường tỷ dân. Chỉ khoảng 29% có kế hoạch cắt giảm nhân sự, nhưng nguyên nhân chính là do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Kết quả khảo sát được công bố trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump hôm 7/9 đe dọa sẽ áp đặt thuế quan với những doanh nghiệp Mỹ rời bỏ quê hương và tạo công ăn việc làm cho các quốc gia khác như Trung Quốc. Dù rằng, việc áp đặt thuế quan hoặc các hạn chế khác với những công ty Mỹ như vậy có nguy cơ làm dấy lên sự phản đối trong cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng vốn đã điêu đứng vì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài gần 2 năm qua cũng như khủng hoảng đại dịch Covid-19 hồi đầu năm nay.
Phòng Thương mại Mỹ, tổ chức đại diện cho 3 triệu doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại các quốc gia trên toàn cầu, lâu nay đã tỏ ra bất bình khi chính quyền Trump châm ngòi cho căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. “Các mức thuế mới với nhôm, thép và hàng nhập khẩu Trung Quốc, cũng như mối đe dọa thuế quan bổ sung với ô tô và phụ tùng ô tô có nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu… Nói một cách đơn giản, thuế quan sẽ quay ngược trở lại đánh vào chính người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Thuế quan là cách tiếp cận sai lầm để giải quyết các hành vi thương mại không công bằng” - trích tuyên bố đăng trên trang web chính thức của Phòng Thương mại Mỹ.
Bên cạnh mối đe dọa thuế quan, chính quyền Trump thời gian qua còn tăng cường các hành động nhắm mục tiêu vào hàng loạt gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei, Tencent, ByteDance. Mới đây nhất, ông Trump tuyên bố cấm giao dịch với WeChat và TikTok trong vòng 45 ngày, làm dấy lên những quan ngại lớn do nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng nền tảng WeChat cho các giao dịch thanh toán trực tuyến.
Ông Ker Gibbs cho hay các thành viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải đang quan ngại nguy cơ mở rộng lệnh cấm giao dịch khiến họ không thể thanh toán qua WeChat ở Trung Quốc. Điều này có khả năng thúc đẩy khách hàng Trung Quốc bỏ qua doanh nghiệp Mỹ, tạo cơ hội cho các đối thủ khác. “TikTok chỉ là ứng dụng giải trí. Còn WeChat thì đã ăn sâu vào hệ sinh thái kinh doanh”.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Bộ Thương mại Mỹ hiện đang soạn thảo các quy tắc để làm rõ giao dịch nào sẽ bị cấm giữa các công ty Trung Quốc như TikTok, WeChat và các doanh nghiệp Mỹ, và khi nào lệnh cấm như vậy có hiệu lực.
Nhận định về nguy cơ phân tách kinh tế Mỹ Trung, nhà kinh tế trưởng Tom Orlik cho biết điều này sẽ “chấm dứt dòng chảy thương mại và công nghệ - điều vốn đang thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Qua đó làm giảm tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống mức 3,5%; thấp hơn mức dự báo 4,5% trong trường hợp quan hệ thương mại Mỹ Trung không thay đổi”.