Đại dịch Covid-19: Khi "đội quân" giao hàng thành động lực tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc
Liu Yilin, một giáo viên trung học nghỉ hưu ở Vũ Hán, đã bắt đầu tích trữ gạo, dầu ăn, mì, cá đông lạnh, thịt lợn khô.. ngay khi có tin đồn về một căn bệnh hô hấp dễ lây lan ở thành phố. Sự chuẩn bị rất sớm đã giúp Liu Yilin tránh khỏi tâm lý hoảng loạn chung của người dân Vũ Hán khi thành phố bắt đầu bị phong tỏa hôm 23/1 khiến hàng chục ngàn người dồn về các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm và càn quét tất cả những gì còn sót lại.
Nhưng khi hàng tháng trời trôi qua và tình hình dịch bệnh tại Vũ Hán vẫn chưa bớt căng thẳng, Liu Yilin cũng như nhiều hộ gia đình trong thành phố ngày càng lo lắng về nguồn cung thực phẩm sắp cạn kiệt. Lúc này, mạng lưới giao hàng thực phẩm trực tuyến trở thành “phao cứu hộ” cho hàng chục ngàn hộ gia đình Vũ Hán nói chung và hàng chục triệu hộ gia đình Trung Quốc trong diện bị phong tỏa nói chung. “Dịch vụ giao hàng tận nhà phát triển mạnh tại Trung Quốc đã giúp cho cuộc sống của những hộ dân bị phong tỏa trở nên dễ dàng hơn nhiều” - ông Liu cho hay.
Hu Xingdou, một nhà kinh tế chính trị ở Bắc Kinh cho biết: “Các dịch vụ giao hàng tận nhà đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. Ở một mức độ nào đó, nó đã giúp đỡ hàng triệu người dân thoát cảnh thiếu lương thực thực phẩm, đặc biệt là ở những địa phương mà chính quyền siết chặt quản lý, phong tỏa, cách ly người dân (như tâm chấn dịch bệnh Hồ Bắc)”.
Ông Liu Yilin cho hay, trong suốt thời gian phong tỏa, người dân Vũ Hán phải ở yên tại nhà hoặc trong cộng đồng dân cư (chung cư, xóm, phố…) với lực lượng cảnh sát cộng đồng chặn giữ tại các lối thoát hiểm. Mọi liên hệ của người dân bị giới hạn trong mạng lưới internet. Người dân đặt hàng trực tuyến trên các trang thương mại điện tử hoặc các thương nhân nhỏ, siêu thị và nhờ đến dịch vụ vận chuyển hàng hóa để nhu yếu phẩm được chuyển đến tay người mua. “Mỗi buổi sáng, tôi sẽ chuyển một mảnh giấy bao gồm tên, số điện thoại, số đơn hàng… cho một nhân viên canh giữ tại khu dân cư. Người này sẽ thu thập các đơn hàng từ nhân viên giao nhận và chuyển lại cho người dân” - ông Liu giải thích.
Nhờ mật độ dân số cao, lực lượng lao động giàu tiềm năng chi tiêu và công nghệ số phát triển, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới đặt hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà rộng khắp, với hàng triệu nhân viên giao hàng. Các công ty công nghệ đổ tiền vào phát triển cơ sở hạ tầng phần cứng, phần mềm để cải thiện hệ thống hậu cần logistic, kho vận cũng như nền tảng đám mây để phân tích, dự đoán hành vi người tiêu dùng, từ đó hoàn thiện dịch vụ giao nhận hàng hóa và thanh toán trực tuyến tiện ích; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.
Mark Greeven, giáo sư đổi mới chiến lược tại IMD Business School ở Lausanne, Thụy Sĩ nhận định: “Trung Quốc có một hệ thống giao hàng phát triển rất tốt, từ giao bưu kiện, hàng hóa, thực phẩm tươi sống cho đến thuốc thang vật tư y tế. Thậm chí, hệ thống này phát triển tốt hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia trên thế giới”.
Từ trước khủng hoảng đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong cuộc sống hàng ngày, từ tiêu dùng, thanh toán kinh doanh cho đến quản lý người dân. Tất cả những sự phát triển diễn ra trong thời gian dài trước khi dịch bệnh kéo đến, và cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 có vẻ là phép thử lớn kiểm tra sự linh hoạt và khả năng đáp ứng, hoàn thiện của các ứng dụng công nghệ số.
Theo gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com, nhu cầu về thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tại Trung Quốc đã tăng vọt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Từ 20/1 đến 28/2, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ nhất tại Trung Quốc, JD.com đã bán được 220 triệu đơn hàng, chủ yếu là ngũ cốc, thực phẩm từ sữa… Trong đó, các đơn hàng thịt bò tăng gấp 3 lần và thịt gà tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tang Yishen, người đứng đầu JD Fresh, công ty con phụ trách mảng thực phẩm tươi sống của JD.com cho biết: “Sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu mua sắm trực tuyến thực phẩm tươi sống đã cho thấy cơ hội để các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thậm nhập sâu hơn vào cuộc sống và nhu cầu của khách hàng mà dịch Covid-19 mang lại. Nó cũng giúp chúng tôi kết nối với các trang trại cung cấp đầu nguồn và chiếm được lòng tin từ họ.”
Meituan Dianping, một nền tảng thương mại điện tử giao nhận đồ ăn đã báo cáo mức tăng trưởng 400% doanh số trong mảng bán lẻ tạp hóa so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng phổ biến nhất trong khoảng thời gian 26/1 đến 8/2 - hai tuần đầu tiên của lệnh phong tỏa - là khẩu trang, nước sát khuẩn, trái cây tươi, khoai tây cắt lát...
Dịch vụ giao nhận đồ ăn Ele.me cho biết, từ ngày 21/1 đến ngày 8/2, các đơn hàng thực phẩm đông lạnh đã tăng vọt 600%, các đơn hàng sản phẩm chăm sóc thú cưng cũng tăng mạnh 500% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn hàng thực phẩm tươi sống tăng 181% còn đơn hàng đồ uống tăng 101% và đồ ăn nhanh tăng 82%. Ele.me thuộc sở hữu của Alibaba, nền tảng thương mại điện tử do tỷ phú Jack Ma sáng lập.
Sofya Bakhta, nhà phân tích chiến lược tiếp thị tại Daxue Consulting, Thượng Hải cho biết hoạt động giao nhận hàng hóa mùa dịch đã có những cải tiến đáng kể để giảm tối đa việc tiếp xúc vật lý giữa các cá nhân, tránh lây lan dịch bệnh. Nhân viên giao hàng sẽ để lại các đơn hàng trước tòa nhà, thang máy hoặc một địa điểm theo chỉ dẫn của khách hàng thay vì giao trực tiếp đến tay người nhận như trước đây. Một số công ty thậm chí áp dụng công nghệ cao vào việc giao hàng hóa, như Ele.me sử dụng drone để giúp giao hàng đến tay những người cách ly ở các khu vực dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ nhất...
Nhìn chung, lực lượng giao hàng thực phẩm được xem là động lực quan trọng nhất thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng nói riêng và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nói chung trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế rơi vào trì trệ. Tuy nhiên, Liu Yilin, cư dân thành phố Vũ Hán phản ánh về việc giá cả tăng đột biến tới 3 lần so với một năm trước đây. “Chẳng có rau củ nào để lựa chọn ngoài khoai tây, bắp cải và cà rốt. Nhưng tôi không muốn phàn nàn. Thật tốt vì chúng ta vẫn có thể tiêu dùng rau tươi vào thời điểm khó khăn như vậy”.