Đặt cược vào hiệu ứng kích thích tài khóa, giới đầu tư toàn cầu có thể mắc sai lầm?

29/08/2019 06:27 GMT+7
Trong một lưu ý gửi đến các nhà đầu tư, Giám đốc đầu tư của quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới UBS Wealth Management, ông Mark Haefele tuyên bố tập đoàn đã công bố khuyến nghị “Underweight” - giảm tỷ trọng đầu tư

Chính sách tài khóa có giúp nền kinh tế tăng tốc?

Kinh tế Mỹ có dấu hiệu giảm tốc, và chính sách tài khóa được kỳ vọng sẽ đẩy lùi nguy cơ này

Thương chiến Mỹ Trung leo thang trong những ngày gần đây đang làm xấu đi triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, sự nghi hoặc về các ngân hàng Trung Ương đang đặt ra câu hỏi lớn: liệu chính sách tài khóa có giải cứu nền kinh tế khỏi nguy cơ suy thoái kề cận hay không?

Rất nhiều nhà phân tích thị trường đang chỉ ra Mỹ và các nước khu vực đồng EUR đang đẩy mạnh chính sách kích thích tài khóa. Nhưng không chắc chắn những hành động kích thích này là kịp thời và ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy tăng chi tiêu chính phủ để thúc đẩy tài khóa mở rộng, nó có thể chưa đủ để xóa đi mối quan ngại thị trường về sự giảm tốc của nền kinh tế trong dài hạn.

Dễ thấy, thị trường toàn cầu ngày càng nhạy cảm khi nhắc đến các biện pháp kích thích tài khóa trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ Trung leo thang. Mức lãi suất thấp và lạm phát thấp trên toàn cầu có thể mang đến nhiều không gian cho chính sách tài khóa hơn là tiền tệ, các nhà phân tích tin vào điều đó.

Thứ hai tuần trước, sau khi tăng trưởng GDP cho thấy kết quả âm, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz vội vàng nhắc lại gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 50 tỷ EUR (55 tỷ USD). Chứng khoán Châu Âu sau đó tăng vọt. Arnim Holzer, nhà quản lý danh mục đầu tư từ EAB Investment Group tin rằng triển vọng chính sách tài khóa mở rộng có thể là một trong những nguyên nhân khiến S&P 500 vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 14% mỗi năm, tiệm cận mức cao nhất mọi thời đại bất chấp làn sóng chiến tranh thương mại.

Có một sự thực là thị trường gần như đã đặt hoàn toàn kỳ vọng ở các ngân hàng Trung Ương trong chính sách tiền tệ nới lỏng. Tại Hội nghị chuyên đề Jackson Hole hàng năm hồi cuối tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell đã tuyên bố FED hiện chưa có một lộ trình nào để đối phó với những bất ổn thương mại và chủ nghĩa bảo hộ mà Tổng thống Trump khởi xướng. Hiển nhiên là một khi FED không có động thái, Chính phủ sẽ phải tự mình kích thích kinh tế thông qua cắt giảm vốn và tăng thuế như những gì Nhà Trắng đang thảo luận. 

Jody Lurie, nhà phân tích tín dụng doanh nghiệp tại Janney Montgomery Scott chỉ ra rằng FED đang ở trong một tình cảnh khó khăn khi bất cứ chính sách tiền tệ nào cũng dễ dàng bị lu mờ hiệu quả bởi các chính sách tài khóa. Nhưng với tình hình hiện tại, Mỹ nhiều khả năng không thể tác động thêm vào chi tiêu Chính phủ vì khoản thâm hụt hàng ngàn tỷ USD gây ra bởi đạo luật cắt giảm thuế năm 2018, theo chuyên gia kinh tế Bob Schwartz từ Oxford Economics. Thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên tới 3,8% GDP trong năm ngoái và có thể tăng lên 5,1% GDP trong năm nay. “Lời giải cho những khoản nợ hiện tại không phải một khoản nợ nhiều hơn” - Nick Maroutsos, quyền giám đốc mảng trái phiếu toàn cầu tại Janus Henderson Investors nhận định.

Kỳ vọng về tăng thâm hụt ngân sách cho một chính sách tài khóa nới lỏng ở Châu Âu cũng ngày một ảm đạm. Nhà phân tích Aline Schuiling từ ABN Amro chỉ ra rằng khu vực đồng EUR có một quy tắc tài chính nghiêm ngặt, thị trường nên từ bỏ hy vọng về chính sách tài khóa nới lỏng hay bất cứ điều gì tương tự. Còn các nhà kinh tế từ Ngân hàng Hà Lan thì kỳ vọng gói kích thích tài khóa có thể nâng tăng trưởng GDP khu vực đồng tiền chung Châu Âu lên 0,75%, nhưng gói kích thích này khó mà được tung ra do vướng phải những quy tắc hạn chế thâm hụt và nợ công của Ủy Ban Châu Âu.

Thanos Bardas, nhà phân tích đầu tư từ Neuberger Berman lại nêu ra quan điểm khác biệt rằng cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng EUR năm 2012 đã minh chứng cho việc chính sách tài khóa và tiền tệ phải đi đôi với nhau để tạo nên sự phục hồi bền vững. Việc Ngân hàng Trung Ương Châu Âu ECB cắt giảm lãi suất không mang lại sự tăng trưởng kinh tế vững chắc sau khủng hoảng tài chính 2008.

Thị trường nên hành động ra sao? Câu trả lời từ Quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới!

UBS khuyến nghị giảm tỷ trọng đầu tư tài sản rủi ro

Trong một lưu ý gửi đến các nhà đầu tư, Giám đốc đầu tư của quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới UBS Wealth Management, ông Mark Haefele tuyên bố tập đoàn đã công bố khuyến nghị “Underweight” - giảm tỷ trọng đầu tư với thị trường tài sản rủi ro như cổ phiếu. Khuyến nghị được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế với 550 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc hôm 23.6. 

“Xung đột thương mại Mỹ Trung leo thang trong những ngày gần đây. Những đòn ăn miếng trả miếng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Đó là lý do tại sao chúng tôi hạ đánh giá xuống mức Underweight - giảm khuyến nghị đầu tư danh mục cổ phiếu, trong bối cảnh bất ổn chính trị” - ông Haefele phân tích nguyên nhân. 

Cũng theo Haefele, UBS hiện vẫn giữ quan điểm lạc quan rằng Mỹ có thể tránh khỏi nguy cơ suy thoái kinh tế năm 2020 nếu Cục Dự trữ Liên Bang FED chịu tung thêm các đợt cắt giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế và chi tiêu tiêu dùng giữ nhịp tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng UBS cũng không nhận thấy tín hiệu sáng từ môi trường kinh doanh và đầu tư trong tương lai gần, khi mà rủi ro trượt giá cổ phiếu đang gia tăng trên toàn cầu. Ông đồng thời cảnh báo nhà đầu tư không nên bán cổ phiếu ồ ạt như thể nền kinh tế chuẩn bị bước vào một đợt khủng hoảng tài chính toàn diện hoặc suy thoái kinh tế tồi tệ. 

Theo bản báo cáo theo dõi thanh khoản thị trường của TrimTabs Investment Research, nhà đầu tư đã bán trung bình 600 triệu USD cổ phiếu mỗi ngày trong tháng 8. Theo đà này, tháng 8 có thể trở thành tháng thứ 5 trong năm chứng kiến lượng bán tháo cổ phiếu đạt trên 10 tỷ USD. 

Những nhà đầu cơ cũng chỉ ra sự tăng trưởng của chi tiêu tiêu dùng Mỹ là bằng chứng cho thấy nền kinh tế vẫn đang mạnh mẽ. Doanh số bán lẻ trong tháng 7 đánh bại kỳ vọng của các nhà phân tích. Hãng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ Walmart, một trong những trọng số có tác động lớn đến chi tiêu tiêu dùng thì tăng doanh số dự đoán cho phần còn lại của năm.

Câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng liệu có giữ vững mức chi tiêu mạnh mẽ như hiện tại, trong bối cảnh thương chiến leo thang và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm?

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục