Đề xuất họp chung Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Việt Nam nhằm tăng xuất nhập khẩu trái cây

04/04/2022 06:59 GMT+7
Bộ Thương mại Thái Lan đã đề xuất một cuộc họp chung giữa Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Việt Nam nhằm tăng xuất nhập khẩu trái cây...

Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, Bộ Thương mại Thái Lan đã đề xuất một cuộc họp chung giữa Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Việt Nam nhằm tăng xuất nhập khẩu trái cây và mở một làn xanh dành cho trái cây Thái Lan tại mỗi cửa khẩu góp phần đẩy nhanh việc giải phóng hàng tránh gây thiệt hại.

Đề xuất họp chung Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Việt Nam nhằm tăng xuất nhập khẩu trái cây - Ảnh 1.

Đề xuất một cuộc họp chung giữa Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Việt Nam nhằm tăng xuất nhập khẩu trái cây.

Theo báo cáo của Vụ Nội thương (Bộ Thương mại Thái Lan), tổng sản lượng trái cây vụ mùa 2022 của Thái Lan dự kiến tăng 13% lên 5,43 triệu tấn, chủ yếu là sầu riêng (tăng 22%), măng cụt (tăng 43%), nhãn (tăng 7,8%), chôm chôm (tăng 6%) và xoài (tăng 5%).

Bộ Thương mại Thái Lan đã đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trái cây trị giá 287,50 tỷ Bạt (8,53 tỷ USD) trong năm nay, bao gồm trái cây tươi, đông lạnh, sấy khô và đóng hộp. Trong đó, 180 tỷ Bạt dự kiến đến từ Trung Quốc, tăng 65% so với năm ngoái.

Mục tiêu xuất khẩu cao chủ yếu do nhu cầu tăng đối với trái cây Thái Lan và sản lượng cao mùa vụ 2022.

Để thúc đẩy xuất khẩu trái cây, Bộ Thương mại Thái Lan đã xúc tiến bán trái cây thông qua các hợp đồng ứng trước lên tới 450.000 tấn, chủ yếu với Trung Quốc.

Trong nỗ lực nhằm tạo điều kiện xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc sau khi bị ảnh hưởng bởi chính sách "Zero-Covid" của nước này và các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt tại bốn cửa khẩu biên giới quan trọng là Mohan, Hữu Nghị Quan (Youyi Guan), Đông Hưng (Dongxing) và Bằng Tường (Pingxiang), Bộ Thương mại Thái Lan cam kết đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Trung Quốc nhằm mở cửa khẩu biên giới Đông Hưng để giúp giải phóng trái cây Thái Lan.

Xuất khẩu trái cây của Thái Lan đã tăng từ 91 tỷ Baht năm 2020 lên 160 tỷ Baht vào năm 2021, trong đó 100 tỷ Baht đến từ việc xuất khẩu trái sầu riêng. Chính phủ Thái Lan hiện đang đàm phán với Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ vận chuyển các sản phẩm trái cây của Thái Lan, đồng thời lên kế hoạch mở rộng thị trường sang các nước Trung Đông.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu trái cây lớn nhất của Thái Lan, tuy nhiên chính sách “Zero Covid” nghiêm ngặt của Bắc Kinh trong năm qua đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển trái cây của Thái Lan qua các chốt kiểm soát.

Thái Lan hiện đang cố đàm phán với đất nước tỷ dân về việc cho phép hơn 400 nhà xuất khẩu Thái Lan được chứng nhận với giấy phép Thực hành Sản xuất Tốt Mở rộng (GMP Plus) và chứng nhận đào tạo về các hạn chế Covid của Trung Quốc nhằm không phải trải qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng như việc phải mở mọi container khi đi qua các trạm kiểm soát. Ngoài ra, nước này cũng đề xuất giải pháp "Làn đường xanh" để theo dõi nhanh việc xuất khẩu trái cây Thái Lan và giảm bớt các hạn chế của hàng rào phi thuế quan.

Ngoài đàm phán với Trung Quốc, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã của Thái Lan cũng đang tìm cách mở rộng xuất khẩu trái cây sang các thị trường mới ở Trung Đông như Saudi Arabia và UAE (Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất).

Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan, Chalermchai Sri-on khẳng định nhu cầu đối với hoa quả Thái Lan ở Trung Đông ngày càng tăng cao, đặc biệt với các loại quả như: Chôm chôm, măng cụt, nhãn, xoài và sầu riêng.

Xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Thái Lan sang UAE đạt khoảng 10 tỷ Baht mỗi năm với mức tăng trưởng trung bình 4,6%/năm và Thái Lan đang lên kế hoạch tăng khối lượng và mở rộng sang thị trường mới ở A-rập Xê-út thông qua đàm phán liên tục với Riyadh .

Trong khi đó, đối với Việt Nam, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong nửa đầu tháng 3 chỉ đạt gần 161 triệu USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ 2021.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/3, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả Việt Nam chỉ đạt 667,4 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương giảm gần 80 triệu USD.

Đề xuất họp chung Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Việt Nam nhằm tăng xuất nhập khẩu trái cây - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan.

Phần lớn rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc do đó, việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này là do các khó khăn từ thị trường Trung Quốc đưa lại. Suốt thời gian qua, cụ thể từ cuối năm 2021 đến nay, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch gây khó khăn cho việc xuất nhập khẩu rau quả và các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trên các địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc.

Mặt hàng rau quả đã giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu từ tháng 2 vừa qua. Trong tháng 2/2022, xuất khẩu hàng rau quả chỉ đạt 217 triệu USD, giảm 14,3% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 508,7 triệu USD, giảm 9,6% so với năm 2021.

Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm 2022, đạt 261,2 triệu USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 3, đà giảm vẫn tiếp tục diễn ra. Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn do bị ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới đường bộ phía Bắc.

Từ năm 2019 trở về trước, Trung Quốc luôn chiếm hơn 70% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Những năm gần đây, thị trường Trung Quốc đã giảm dần trong cơ cấu thị phần rau quả xuất khẩu, nhưng đây vẫn là thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam, chiếm đến 53,7% thị phần trong năm 2021, tương đương hơn 1,9 tỷ USD giá trị.

Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2022 việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phải thực hiện theo Lệnh 248 và Lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Việc thực hiện các quy định này vẫn còn gặp nhiều trở ngại do hệ thống đăng ký doanh nghiệp nước ngoài trực tuyến của Hải quan Trung Quốc mới vận hành, nên tốc độ truy cập chậm, ngôn ngữ tiếng Trung, giao diện khó theo dõi…

Việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp...

Năm 2021 dù rất nhiều khó khăn nhưng ngành rau quả đã đạt giá trị xuất khẩu 3,551 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020 cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành. Năm 2022, ngành rau quả đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục