Dệt may Thành Công (TCM): Liên tục thiếu hụt đơn hàng, lãi 9 tháng giảm mạnh

24/10/2023 14:25 GMT+7
CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) mới đây công bố Báo cáo tài chính quý III/2023 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 920,8 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm 23% còn 780,7 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này tăng 18% lên 26,7 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 20% còn 27,3 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay tăng 11% lên 9,2 tỷ đồng. Các chi phí còn lại đều giảm so với cùng kỳ: Chi phí bán hàng giảm 19% còn 35,6 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 23% còn gần 35 tỷ đồng.

Khoản thu nhập khác giảm gần một nửa còn 586,8 triệu đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 1 tỷ đồng.

Kết quả, Dệt may Thành Công báo lãi trước thuế 67,9 tỷ đồng, lãi sau thuế 54,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 41% và 42% so với cùng kỳ năm trước.

Dệt may Thành Công (TCM): Liên tục thiếu hụt đơn hàng, lãi 9 tháng chỉ bằng 50% năm trước - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quý III/2023 và 9 tháng đầu năm 2023.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.511,7 tỷ đồng, giảm 26% so với thực hiện năm trước. Ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính 9 tháng tăng 13% lên 66,7 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công báo lãi 155,2 tỷ đồng, giảm 44% so với thực hiện năm trước. Sau thuế, doanh nghiệp này thu về 111,4 tỷ đồng giảm 50% so với năm ngoái. So với mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 245 tỷ đồng, Dệt may Thành Công mới chỉ thực hiện 45% kế hoạch năm.

Về thị trường xuất khẩu, Dệt may Thành Công là doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường lớn trên thế giới. Trong tháng 9/2023 vừa qua, xuất khẩu của Dệt may Thành Công sang thị trường Châu Á chiếm 56% (trong đó thị trường Hàn Quốc chiếm 17,7%; thị trường Trung Quốc chiếm 16%, thị trường Nhật chiếm 10,77%, Thái Lan chiếm 6,1%). Tiếp đến thị trường Châu Mỹ chiếm 42,1% (riêng thị trường Mỹ chiếm 33%, Canada chiếm 8,3%) và thị trường Châu Âu chiếm 1,8%.

Thông thường, quý IV là mùa chuẩn bị cho Lễ hội và Tết. Nhưng năm nay, nhu cầu mua sắm và đơn hàng vẫn chậm so với những năm trước đây do tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn và phục hồi chậm.

Tình hình đơn hàng, Dệt may Thành Công cho biết, hiện tại, công ty vẫn chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm và vẫn chưa hoạt động tối đa công suất. Công ty mới chỉ nhận khoảng 75% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý IV/2023. Đã và đang nhận đơn hàng cho quý I/2024.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Dệt may Thành Công ở mức 3.275,2 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với đầu năm. Trữ tiền ở mức 653,8 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 59% lên 404,8 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 19% còn 1.020 tỷ đồng.

Tính đến ngày hết quý III/2023, tổng nợ phải trả của Dệt may Thành Công là 1.287,5 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ở mức 806,2 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm, chiếm 63% tổng cơ cấu dư nợ.

Dệt may Thành Công (TCM): Liên tục thiếu hụt đơn hàng, lãi 9 tháng chỉ bằng 50% năm trước - Ảnh 2.

Vay nợ của Dệt may Thành Công.

Một số khoản vay lớn của Dệt may Thành Công như: vay ngắn hạn Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (401,3 tỷ đồng), vay ngắn hạn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (114,4 tỷ đồng), vay ngắn hạn Ngân hàng Công thương Việt Nam (90,6 tỷ đồng) …

Thuyết minh Báo cáo tài chính quý III/2023 cho thấy, Dệt may Thành Công có 3 công ty con và 2 công ty liên kết. Trong đó, có 2 công ty con mà Dệt may sở hữu 100% là Công ty TNHH TC Tower (vốn điều lệ 127,3 tỷ đồng), Công ty TNHH TC Commerce (vốn điều lệ 12 tỷ đồng).

Trong phiên sáng ngày 24/10, cổ phiếu TCM tăng 1,6% lên 42.050 đồng/cổ phiếu.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục