ĐHĐCĐ Tập đoàn Lộc Trời: Lên kế hoạch lãi 50 tỷ, Ngân hàng Hà Lan cho vay 90 triệu USD
Bầu lãnh đạo mới
CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) vừa công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024, với kế hoạch lãi sau thuế đạt 50 tỷ đồng, cao hơn gấp ba lần so với năm 2023. Đại hội cũng đã thông qua kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu từ sàn UPCoM sang HOSE trong năm 2024.
Đại hội đã bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2024 – 2029. Thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới gồm 5 người: ông Huỳnh Văn Thòn tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Johan Sven Richard Boden, ông Mandrawa Winston Leo, ông Võ Trí Thành và bà Vũ Hồng Trang. Trong đó, bà Vũ Hồng Trang hiện là Phó giám đốc Affirma Capital (Singapore), ông Mandrawa Winston Leo là Giám đốc điều hành Affirma Capital Managers (Singapore), và ông Johan Sven Richard Boden là Tổng giám đốc DenEast Vietnam Limited.
Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới gồm 3 thành viên: bà Nguyễn Thị Thúy, ông Tiêu Phước Thạnh và ông Uday Krishna. Ông Uday Krishna, có quốc tịch Ấn Độ, hiện là Giám đốc điều hành Affirma Capital (Singapore), còn bà Nguyễn Thị Thúy là Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Holborn Capital.
Trước đó, cùng ngày, Lộc Trời đã thông báo miễn nhiệm các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát hết nhiệm kỳ 2019-2024, gồm bà Nguyễn Thị Ấm, ông Trần Thanh Hải, bà Thuy Vu Dropsey, ông Philipp Roesles và bà Trương Thị Thu Thủy.
3 phương án huy động vốn của Lộc Trời
Tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận đã giải đáp chi tiết về kế hoạch kinh doanh và các phương án huy động vốn.
Ông Thuận cho biết, Tập đoàn Lộc Trời đang xem xét ba phương án: phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, và vay chuyển đổi cổ phần, với tổng giá trị lên đến 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ một trong ba phương án này sẽ được thực hiện dựa trên điều kiện thị trường và sự đồng thuận của cổ đông.
Khi được hỏi về mục đích sử dụng vốn sau khi phát hành, Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận nhấn mạnh, các khoản vốn này nhằm tăng cường năng lực tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty. "Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược và sẽ công bố thông tin chi tiết khi có kết quả cụ thể," ông Thuận cho biết.
Về phương án huy động vốn, Đoàn Chủ tịch sau hội ý đã thống nhất việc không tiến hành biểu quyết thông qua đối với 3 tờ trình. Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn cho biết, sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản sau.
Tại Đại hội, cổ đông của Lộc Trời đã đặt câu hỏi về tình trạng tài chính của công ty, đặc biệt là về khoản nợ ngắn hạn lên đến 8.300 tỷ đồng và vấn đề mất cân đối dòng tiền. Trả lời vấn đề này, ông Thuận cũng đề cập đến chiến lược kiểm soát và quản lý dòng tiền chặt chẽ của Lộc Trời, đảm bảo tính thanh khoản và ổn định tài chính. "Khoản vay 8.000 tỷ đồng không phải là gánh nặng vì đây là khoản đầu tư vào nông dân, giúp họ phát triển sản xuất, giảm chi phí và tăng thu nhập," ông Thuận khẳng định.
Về chiến lược kinh doanh, Lộc Trời sẽ tiếp tục tập trung vào các sản phẩm lúa gạo và phụ phẩm, với mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận tiết lộ, tập đoàn đã ký hợp đồng bán trấu với Nike và các đối tác khác, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận cao. "Kinh doanh lúa gạo và phụ phẩm là có lời, nhưng cần thời gian để hệ thống vận hành hiệu quả hơn," ông Thuận chia sẻ.
Trong bối cảnh này, Lộc Trời luôn hướng đến mục tiêu dài hạn, chăm lo cho nông dân và bảo vệ môi trường. "Chúng tôi tin rằng với sự hỗ trợ của cổ đông, Lộc Trời sẽ vượt qua khó khăn và phát triển bền vững," ông Thuận nhấn mạnh.
Một cổ đông từ Quỹ AFC đã đặt câu hỏi về khả năng thành công của việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu, cũng như vai trò của Hội đồng Quản trị (HĐQT) mới trong việc hỗ trợ quá trình này. Đáp lại, Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận cho biết: "Vai trò của HĐQT mới là rất quan trọng trong việc hỗ trợ và đẩy mạnh các hoạt động phát hành, đảm bảo sự thành công của các phương án đã đề ra."
Khi được hỏi về kế hoạch chia cổ tức năm 2024 và 2025 chỉ chia bằng cổ phiếu, Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn cho biết, hiện nay Lộc Trời có khoản vay với Ngân hàng phát triển Doanh nghiệp (Dutch Entrepreneurial Development Bank - FMO). Tổ chức này đánh giá Lộc Trời "cực kỳ cao" về lĩnh vực nông nghiệp, có tương lai phát triển, về chiến lược, về mô hình khả thi. FMO cũng đánh giá rất cao về Đồng bằng sông Cửu Long. Ông hi vọng sự hỗ trợ của đơn vị này.
"FMO tìm hiểu rất kỹ về Lộc Trời trước khi quyết định cho khoản vay 90 triệu đô, yêu cầu phải làm kế hoạch cho cả năm 2024 và 2025, yêu cầu cam kết chia cổ tức bằng cổ phiếu trong cả năm 2024 và 2025. FMO đánh giá cao LTG vì FMO rất quan tâm đến hoạt động của LTG và chiến lược xanh, yếu tố môi trường, yếu tố xã hội. Tuy nhiên điều kiện duy nhất là chúng tôi không được phép chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024 và 2025", ông Thòn nói.