Dịch tả heo Châu Phi: Thách thức để thay đổi

05/06/2019 11:31 GMT+7
Dịch tả heo châu Phi kéo vào để để lại những thiệt hại vô cùng nặng nề cho ngành chăn nuôi. Đứng trước thách thức lớn, liệu ngành chăn nuôi sẽ có những giải pháp nào để có thể biến "thách thức" thành "cơ hội"?

Theo báo cáo của một công ty nghiên cứu thị trường, thị trường thịt heo nội địa của Việt Nam có giá trị khoảng 10,2 tỷ USD. Tại Việt Nam, thịt heo chiếm tỉ trọng cao nhất - gần 70% trong số các loại thịt trong bữa ăn hàng ngày.

Triển vọng phát triển ngành thịt tại Việt Nam là vô cùng khả quan bởi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia mới nổi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu châu Á, cơ cấu dân số trẻ và sức chi cho tiêu dùng gia tăng.

Những thách thức của thị trường

Do đặc điểm của nền chăn nuôi Việt Nam là hộ gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu những sự kiểm soát về quy trình chăn nuôi đạt chuẩn nên khi dịch xảy ra nhanh chóng lan rộng trên quy mô cả nước. Chỉ sau vài tháng, từ 1 tỉnh Hưng Yên nay đã lan rộng ra 53 tỉnh thành trên toàn quốc với 2 triệu con heo (117.000 tấn) bằng 6,5% tổng đàn toàn quốc.

 

Hàng ngàn con heo bị tiêu hủy do mắc dịch tả heo châu Phi

Trong báo cáo quý II/2019, Rabobank (định chế tài chính tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm hàng đầu thế giới) dự báo sản lượng thịt heo Việt Nam năm 2019 có thể giảm ít nhất 10% do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch tả heo châu Phi, ông Nguyễn Thiều Nam (Phó TGĐ Masan Group) lo ngại nguồn thịt heo sạch bị khan hiếm là nguy cơ cho ngành chăn nuôi heo của Việt Nam khi không thể ngăn người tiêu dùng sử dụng thịt heo nhập khẩu từ châu Âu, Brazil...

Hiện nay, tuy heo nhập khẩu chỉ mới chiếm 2% thị phần nhưng trong tương lai, thịt heo trong nước sẽ chịu nhiều sức ép hơn khi Việt Nam đã chính thức là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Với hiệp định này, thuế nhập khẩu tiến về dần bằng 0 vào năm thứ 10 đối với thịt lợn tươi và năm thứ 8 năm đối với thịt lợn đông lạnh, dẫn đến giá thịt heo nhập khẩu sẽ rất cạnh tranh.

Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đi đôi với khả năng thịt heo nhập khẩu vào Việt Nam từ 2 quốc gia này sẽ gia tăng.

Xu hướng tiêu dùng giữa tâm bão

Trong khi giá thịt heo tại các chợ truyền thống giảm mạnh, người dân chuyển sang dùng các loại thịt khác thay thế, người chăn nuôi lẫn người buôn bán phải chịu một thị trường ảm đạm thì giá thịt tại các siêu thị tăng cao. Điều này cũng dễ hiểu vì người dân không thể bỏ ăn thịt heo, và họ sẽ tìm thịt tại các nơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo chất lượng. 

Tại các hệ thống siêu thị như Vinmart, Bic C, ... thịt heo được tiêu thụ ổn định, thậm chí là tăng hơn so với trước khi có dịch. Dù giá thịt ở đây có cao hơn thị trường từ 10-20% nhưng sức mua vẫn không hề ảnh hưởng.

 

Thịt trong các siêu thị được người dùng ưa chuộng

Chính tâm lí tiêu dùng ấy đã đẩy giá heo hơi giảm theo một chuỗi không phanh. Hiện giá lợn hơi toàn miền Bắc đang ở mức thấp nhất cả nước, dao động trong khoảng 23.000 - 30.000 đồng/kg. Ở miền Trung được coi là ổn định nhất cả nước thì giá cũng chỉ dao động trong khoảng 36.000 - 38.000 đồng/kg. Ở miền Nam thì sau khi xuất hiện dịch giá heo cũng giảm liên tục, hiện còn dao động trong khoảng 34.000 - 37.000 đồng/kg. Nhìn chung tại 3 miền thì giá heo đều giảm so với tháng 4 và cùng kì năm 2018.

Bài toán cho chăn nuôi trong tương lai

Dịch tả heo châu Phi được coi như một cơn bão tàn phá nền chăn nuôi của nước ta trong vài tháng vừa qua. Dịch đi qua để lại bao nỗi đắng cay cho người nông dân. Heo chết, những con còn sống cũng không thể buôn bán, vận chuyển. Thị trường buôn bán gần như bị đóng băng.

Tuy nhiên một thực trạng đối nghịch đang diễn ra là các trang trại chăn nuôi hiện đại lại rất ít bị dịch "ghé thăm". Bởi vậy cuộc khủng hoảng lợn vừa qua là sự thanh lọc của thị trường và thay đổi phương thức chăn nuôi là điều tất yếu.

Cần quy hoạch lại quy mô và cơ cấu chăn nuôi; Hợp tác liên kết chuỗi phát triển mạnh giữa nhà chăn nuôi, nhà giết mổ và nhà phân phối để đảm bảo trang trại chăn nuôi có hợp đồng đầu ra ổn định; Nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ chăn nuôi và giết mổ, an toàn thực phẩm, môi trường; Áp dụng đăng ký chăn nuôi trên toàn quốc và phát triển mạnh chuỗi thực phẩm có truy xuất nguồn gốc; Phát triển nhiều loại hình chăn nuôi lợn hữu cơ; Tỷ trọng giết mổ công nghiệp sẽ tăng lên; Sản phẩm thịt lợn chế biến có thương hiệu và xuất khẩu được sang nhiều nước.

Bài học qua dịch tả heo châu Phi

Nhìn chung, ngành chăn nuôi lợn nước ta có nhiều lợi thế, cụ thể nhân lực trong ngành có truyền thống và kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn, nông dân Việt Nam rất chịu khó, cần cù, thông minh; các doanh nghiệp rất năng động. Tuy nhiên để vượt qua những thách thức của thị trường cũng như dịch bệnh, cần những giải pháp cốt lõi như nhà nước cần xây dựng chiến lược điều hành tổng thể ngành chăn nuôi. Tổ chức và quy hoạch sản xuất gắn với thị trường. Tổ chức quản lý tốt dịch bệnh, giết mổ, an toàn vệ sinh thực phẩm,…  

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người chăn nuôi cần bắt tay xây dựng hợp tác theo chuỗi; áp dụng khoa học kĩ thuật về giống, thức ăn chăn nuôi, công nghệ chuồng trại để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng thịt, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Đầu tư vào giết mổ và chế biến thịt sâu, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu,…

 

Mai Trang
Cùng chuyên mục