Dịch virus corona sẽ định nghĩa lại hệ thống thương mại đa phương toàn cầu?
Không nghi ngờ gì, virus corona là vật cản trực tiếp với nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung. Ảnh hưởng nặng nề nhất đến từ vị trí quan trọng của Trung Quốc như nhà sản xuất, xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện chiếm gần 1/5 tổng số nhà máy sản xuất của toàn thế giới và các sản phẩm trung gian từ Trung Quốc chiếm ưu thế hơn hẳn trong lĩnh vực sản xuất đồ điện tử, xe hơi, máy móc và dệt may. Loại bỏ Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ khiến quy trình sản xuất gián đoạn, thậm chí ngừng hẳn hoạt động như với trường hợp của Hyundai Motor ở Hàn Quốc thời gian qua.
Dịch virus corona rõ ràng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc, mà còn mang đến bức tranh kinh tế không khá khẩm hơn với các quốc gia liên đới trong chuỗi cung ứng thương mại với nước này. Một trong những nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn nhất là Hàn Quốc; các sản phẩm xuất khẩu của nước này đa phần là linh kiện điện tử, vốn chiếm 2% GDP quốc gia.
Ngoài cản trở quá trình vận chuyển hàng hóa qua biên giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khủng hoảng virus corona còn tác động gián tiếp đến những hạng mục khác như giáo dục hay du lịch. Các trường đại học Australia – vốn phụ thuộc phần lớn vào học phí chi trả từ sinh viên Trung Quốc, đang dấy lên lo ngại về nguồn tài chính khi sinh viên Trung Quốc bị hạn chế nhập cảnh. Khách du lịch Trung Quốc cũng có vị trí quan trọng với các quốc gia như Thái Lan (chi tiêu từ du khách Trung Quốc đóng góp 2.7% GDP nước này), Nhật Bản hay Singapore.
Thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc đang buộc các nhà lãnh đạo thế giới cân nhắc lại về mức độ “an toàn” của trật tự thương mại hội nhập vốn đang vận hành trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trước đó, các doanh nghiệp lớn và chính phủ rất tự tin vào nền kinh tế hội nhập thương mại toàn cầu, vào việc hệ thống thương mại đa phương có thể xóa bỏ nhiều trở ngại thương mại, giải quyết xung đột và tạo ra bình đẳng thương mại. Sự tự tin nào là đòn bẩy để kim ngạch thương mại tăng trưởng gấp đôi quy mô GDP toàn cầu, thúc đẩy các quốc gia hòa nhập ngày càng sâu sắc hơn của nền kinh tế thế giới.
Nhưng dịch virus Corona là giọt nước tràn ly, làm dấy lên mối quan ngại về sự phụ thuộc quá nhiều vào trật tự thương mại đa phương. Trước đó, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ cuối năm ngoái, hệ quả là chiến tranh thuế quan với hàng trăm tỷ USD hàng hóa bị áp thuế gây ảnh hưởng lên toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là minh chứng thể hiện mặt trái của sự hội nhập và toàn cầu hóa. Không khó hiểu khi năm 2019, thương mại toàn cầu chỉ tăng trưởng 1%, mức thấp kỉ lục và gần suy thoái.
Căng thẳng thương mại song phương Mỹ - Trung kéo dài 18 tháng đã góp phần đem đến cái nhìn mới về hệ thống thương mại đa phương. Tổ chức Thương mại Thế giới đã không thành công trong việc kêu gọi các bên ngừng chiến tranh thuế quan. Khi bức tường thuế quan ngày càng lớn, chi phí vận chuyển sản phẩm từ quốc gia này đến quốc gia khác cũng tăng theo. Trong những trường hợp này, rõ ràng lợi ích của thương mại quốc tế không thực sự lấn át bất lợi.
Trong khi đó, tiến bộ kĩ thuật từ ngành công nghiệp ô tô cho đến trí tuệ nhân tạo khiến chuỗi cung ứng trở thành “gót chân asin” của nền kinh tế. Quy trình tự động hóa càng tăng, cách biệt giàu nghèo càng lớn.
Bùng nổ đại dịch virus corona ở Trung Quốc giáng đòn mạnh lên nhiều quốc gia, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho các nhà quản lý rủi ro doanh nghiệp nói riêng và chính phủ toàn cầu nói chung nhìn nhận lại sự mong manh của nền kinh tế nước mình trong bối cảnh hội nhập thương mại toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là liệu thương mại đa phương có hoàn toàn đồng nghĩa với lợi ích kinh tế lớn hơn?