Doanh nghiệp bất động sản lãi lớn sau nửa đầu năm, đa phần nhờ chuyển nhượng
Đầu năm 2019, Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc thắt chặt tín dụng cho bất động sản chính thức có hiệu lực, song song với chính sách siết nguồn cung, thị trường địa ốc theo nhiều ý kiến sẽ tiếp tục đi ngang.
Thực tế, thị trường đã chững lại từ cuối năm 2017, ghi nhận năm 2018 lượng dự án mở bán mới ra thị trường giảm đáng kể so với năm ngoái, đặc biệt nửa đầu năm nay con số giảm bằng lần, tập trung tại nhóm bất động sản dân dụng.
Nhận định bởi lãnh đạo doanh nghiệp, giá bất động sản nhà ở có chiều hướng tăng nhẹ nhưng không sốt, thị trường duy trì ở mức ổn định (tỷ lệ hấp thụ tương đối) mặc dù có sự sụt giảm về lượng cung và lượng giao dịch.
Nửa đầu năm, đa số doanh nghiệp nhà đất ghi nhận tăng lãi
Thống kê tình hình kinh doanh nhóm nhà đất niêm yết nửa đầu năm, tăng trưởng doanh thu tại đa số doanh nghiệp ghi nhận hạ nhiệt, thậm chí sụt giảm. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tương ứng điều chỉnh đáng kể. Ngược lại, lãi ròng nhìn chung tăng trưởng mạnh, đây là kết quả thu được nhờ chuyển nhượng dự án.
Đơn cử, Đầu tư LDG (LDG) báo lãi sau thuế quý 2 tăng đột biến gấp 6,5 lần cùng kỳ năm trước, đạt 77 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu giảm 48% về 41 tỷ đồng. Lợi nhuận đột biến này đến từ doanh thu tài chính 150 tỷ đồng, thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư Du lịch Suối Mơ.
Hay Tập đoàn Đất Xanh (DXG), tổng doanh thu tăng nhẹ 10% lên 842 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 249 tỷ đồng, gấp đôi so với quý 2/2018. Đà tăng lợi nhuận được thúc đẩy bởi hoạt động tài chính ghi nhận đột biến với doanh thu 227 tỷ đồng, gấp 26,7 lần cùng nhờ thanh lý khoản đầu tư.
Tương tự, Bất động sản Phát Đạt (PDR) thông qua chuyển nhượng bất động sản với giá trị thu về hơn 257 tỷ, ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 263 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so quý 2/2018.
Mặc dù vậy, vẫn có một số đơn vị có hoạt động chính tăng trưởng như Bất động sản Netland (NRC) doanh thu quý 2 thu về 135 tỷ đồng, tăng 183% so cùng kỳ, chủ yếu đến từ doanh thu dịch vụ môi giới và dịch vụ khác.
Cũng phần lớn nhờ dịch vụ môi giới, Cenland (CRE) của Shark Hưng ghi nhận gần 700 tỷ doanh thu môi giới sau nửa đầu năm (tăng 20%); cùng với khoản thu chuyển nhượng đột biến, Công ty đạt 230 tỷ LNTT, tăng 27% so với cùng kỳ 2018.
Giá bất động sản tiếp tục tăng nhẹ do thiếu cung, bất động sản nghĩ dưỡng còn nhiều dư địa tăng trưởng
Dự báo về thị trường 6 tháng cuối năm, đại diện một công ty bất động sản niêm yết cho biết sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế trong nước cũng như thế giới, đặc biệt là các thay đổi của chính sách. Trong đó, chính sách siết chặt quản lý bất động sản trong những năm tới sẽ dẫn tới thiếu nguồn cung cho thị trường, kết quả giá bất động sản có thể tăng nhẹ.
Ngược lại, nhu cầu về các loại bất động sản nhà ở vẫn còn cao, đặc biệt tại các đô thị lớn và các khu hành chính - kinh tế mới. Xu thế phát triển bất động sản quy mô thành phố thu nhỏ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, bất động sản thông minh, bất động sản xanh sẽ là xu thế phát triển chủ đạo trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Vị này cũng nhấn mạnh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tạo làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất và văn phòng sang Việt Nam giúp cho thị trường bất động sản nói chung và mảng công nghiệp nói riêng gia tăng mạnh mẽ. Theo đó, các cơ sở nhà ở, dịch vụ dành cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp sẽ có cơ hội phát triển; việc dịch chuyển này kéo theo dòng vốn kinh doanh sạch đổ vào Việt Nam để phát triển kinh doanh.
Mặt khác, bất động sản và bất động sản du lịch vẫn là những điểm chắc chắn thu hút, nhưng sẽ xuất hiện xu hướng đầu tư an toàn và thận trọng hơn. Địa điểm phát triển bất động du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ phong phú hơn đặc biệt ở các tỉnh có nhiều tiềm năng.Trong đó, các khu vực có lợi thế về du lịch và hệ thống giao thông thuận tiện, đặc biệt có kết nối bằng đường hàng không như Phú Quốc, Quảng Ninh, Khánh Hòa…. tiếp tục phát triển mạnh về bất động sản nghỉ dưỡng.
Vị này dẫn chứng, Việt Nam đang bắt đầu một số loại hình du lịch mới như nghĩ dưỡng tham quan, du lịch chữa bệnh, hội thảo hội nghị, du lịch tâm linh, du lịch mua sắm... Song song, chính sách của Nhà nước coi phát triển du lịch là ngành mũi nhọn - một trong những chính sách luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm với mục tiêu không chỉ nâng cao số lượng và cả chất lượng. Theo đó, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn dư địa phát triển, đặc biệt là các thị trường mới.