Đổi mới theo mô hình “lúa – sen – lúa”: Hướng đi mới cho nông dân Đồng Tháp
Vụ mùa Đông Xuân 2018-2019, nông dân trong tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi gần 200 ha đất trồng lúa sang trồng sen lấy gương (phần đế của hoa sen phát triển mang quả (hạt sen)). Bình quân mỗi héc ta cho lãi từ 60 - 100 triệu đồng, lãi gấp 2 - 3 lần trồng lúa. Trồng sen ở Đồng Tháp nhiều nhất là ở các huyện Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông và Cao Lãnh; trong đó, huyện Tháp Mười trồng gần 70 ha.
Thu hoạch sen lấy gương ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình.
Anh Nguyễn Thành Dũng, trú tại xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết, vụ Đông Xuân 2018-2019 anh không làm lúa và chuyển sang trồng sen. Anh trồng được hơn 1 ha sen lấy gương, sau 2,5 tháng sen cho thu hoạch, anh thu hoạch kéo dài 2,5 tháng. Bình quân mỗi ha trồng sen lấy gương cho năng suất 8 tấn/ha, anh bán với giá 15.000 đồng/kg và sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng. Sau khi thu hoạch diện tích trồng sen lấy gương anh Dũng tiếp tục trồng lúa, sản xuất theo mô hình lúa - sen - lúa.
Đặc biệt, cây sen ở huyện Tháp Mười được trồng nhiều nhất tỉnh và được chứng nhận nhãn hiệu Sen Tháp Mười (huyện Tháp Mười) do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp. Ở huyện Tháp Mười còn đưa cây sen vào chương trình xây dựng “mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP). Chương trình OCOP là 1 phần trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngành hàng sen cũng là ngành hàng được huyện Tháp Mười chọn là 1 trong 5 ngành hàng thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Huyện Tháp Mười đã hoàn thành quy chế quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu sen Tháp Mười.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trao Quyết định cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu Sen Tháp Mười cho lãnh đạo huyện Tháp Mười (ảnh baodongthap.com.vn)
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đến thu mua tiêu thụ sản phẩm gương sen tươi và hạt sen khô để xuất khẩu, ngoài ra còn các sản phẩm chế biến từ sen được đưa ra thị trường như: sữa sen, bột hạt sen, trà lá sen, trà tim sen đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, sợi lấy từ thân sen cũng là một nguyên liệu để dệt lụa, giá của lụa sen hiện nay trên thị trường có thể “đắt như vàng”.
Nông dân xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình thu hoạch sen lấy gương
Ông Đinh Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, huyện sẽ phát triển 300 ha trồng sen, đây là mô hình chuyển đổi cây trồng lãi cao hơn trồng lúa. Các sản phẩm từ cây sen Tháp Mười được chế biến sấy khô, làm tim sen, bán sen tươi, sữa sen, đồng thời tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn, nổi bật là món cơm gói lá sen, chè sen…nhằm đa dạng hóa sản phẩm và thu hút thị trường.