Động thái “nóng” này từ Quốc hội có thể giúp "giải phóng" các Ngân hàng khó bán nợ xấu

17/03/2022 14:16 GMT+7
Mặc dù chấp nhận mất toàn bộ tiền lãi phát sinh ngân hàng vẫn khó bán nợ xấu, nhiều khoản nợ phải rao bán tới cả chục lần.

Chấp nhận mất toàn bộ tiền lãi phát sinh, ngân hàng vẫn khó bán nợ xấu

BIDV mới đây đã ra thông báo bán đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga với số dư nợ gốc và nợ lãi tính đến 2/7/2021 là 475 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc của khoản vay là 267 tỷ và dư nợ lãi, phí phạt chậm trả là 208 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng hai bên thực hiện từ năm 2010.

Đáng chú ý, đây đã là lần thứ 10 BIDV rao bán khoản nợ này. Trong 9 lần rao bán trước đó, dù đã liên tục giảm giá khởi điểm của khoản nợ, ngân hàng vẫn thanh lý bất thành.

Trong lần rao bán thứ 10 này, giá khởi điểm BIDV đưa ra chỉ là 269 tỷ, tương đương số dư nợ gốc ngân hàng đã cho Thép Việt Nga vay. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng đã chấp nhận mất toàn bộ tiền lãi phát sinh trong hợp đồng tín dụng đã ký nhà sản xuất thép có địa chỉ tại Khu công nghiệp Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa Đông, tỉnh Long An.

Ngân hàng khó bán nợ xấu dù "mất" toàn bộ lãi phát sinh, động thái “nóng” từ nhà điều hành - Ảnh 1.

Chấp nhận mất toàn bộ tiền lãi phát sinh, ngân hàng vẫn khó bán nợ xấu. (Ảnh: BID)

Không riêng khoản nợ của Thép Việt Nga, BIDV cũng đang lựa chọn tổ chức thẩm định và bán đấu giá nhiều khoản nợ khác với giá trị từ vài trăm cho tới hơn nghìn tỷ đồng.

Tương tự, tại các ngân hàng như VietinBank, Agribank, Vpbank, Sacombank,... danh sách thông tin về rao bán nợ, xử lý tài sản bảo đảm không ngừng được kéo dài hàng ngày. Thậm chí, như tại VietinBank có những ngày có tới 3 thông báo rao bán, xử lý tài sản.

Thực tế kể trên cho thấy, hoạt động đấu giá tài sản để thanh lý nợ vẫn chưa hạ nhiệt trong bối cảnh nợ xấu ngành ngân hàng ở mức cao và được cho là sẽ lộ diện thời gian tới.

Theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên mức 2,3-2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, và có thể còn ở mức cao hơn từ năm 2024.

Cũng theo vị chuyên gia này, nợ xấu tăng là vấn đề toàn cầu. Số liệu mà TS. Lực thu thập cho thấy, tại Mỹ nợ xấu cũng tăng không kém gì Việt Nam. Tỉ lệ gia tăng chủ yếu đến từ cho vay tiêu dùng và thẻ tín dụng, đây là đối tượng chịu tác động mạnh nhất trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Riêng tại Châu Âu, tỉ lệ nợ xấu lại giảm do họ bán, thanh lý rất nhiều nợ xấu. Họ bán theo cơ chế thị trường, giá thị trường, bán đứt. Tại Châu Á, tỉ lệ nợ xấu đồng loạt tăng từ Hàn Quốc, ASIAN 5 hay Trung Quốc. Theo ông, đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sản xuất đình trệ và thu nhập của người dân giảm.

Động thái từ nhà điều hành

Trước nguy cơ nợ xấu được dự đoán có thể sẽ tăng vọt trong nửa cuối năm nếu thiếu sự hỗ trợ của hành lang pháp lý, trong khi có những ngân hàng dù chấp nhận mất toàn bộ tiền lãi phát sinh vẫn khó bán nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất kéo dài thời hạn của Nghị quyết 42 đến ngày 15/8/2025 thay vì hạn cuối là 15/8/2022.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, cũng đề xuất Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật về xử lý nợ xấu của các TCTD trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Thực tế, đề xuất trên không phải là mới, mà đã được đề cập đến khá nhiều trong thời gian vừa qua và những người trong cuộc kỳ vọng sớm được thông qua để giải tỏa bớt áp lực nợ xấu cho hệ thống ngân hàng trước tác động của dịch bệnh Covid-19 đang gây ra tổn thất nặng nề đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của người dân.

Điều quan trọng hơn, việc xử lý nợ xấu tốt sẽ tiếp tục giúp khơi thông dòng chảy vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Ngân hàng khó bán nợ xấu dù "mất" toàn bộ lãi phát sinh, động thái “nóng” từ nhà điều hành - Ảnh 3.

Thống nhất kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. (Ảnh: SSB)

Tại phiên họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng mới đây, các ý kiến tại cuộc họp cơ bản nhất trí với việc gia hạn việc thực hiện Nghị quyết số 42 và cho rằng cần đánh giá thêm tác động đối với các đối tượng điều chỉnh khi kéo dài việc thực hiện.

Bên cạnh đó cần có đánh giá toàn diện về mặt số liệu cũng như đánh giá về hiệu quả của nghị quyết để xây dựng luật một cách sớm nhất.

Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Hội thẩm định, nhất trí với sự cần thiết kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 42; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì cần làm rõ hơn sự cần thiết của việc kéo dài nghị quyết.

Ông Hiếu yêu cầu trong dự thảo nghị quyết phải xác định rõ hai nội dung là kéo dài trong thời gian bao nhiêu lâu và kéo dài toàn bộ hay một phần chính sách trong nghị quyết…


Huyền Anh
Cùng chuyên mục