Dow Jones giảm 580 điểm, chạm đáy thấp nhất trong gần 4 năm

24/03/2020 08:42 GMT+7
Chứng khoán Mỹ tiếp đà giảm hôm 23/2 sau khi các nhà lập pháp Mỹ chậm trễ thông qua những gói kích thích tài khóa khổng lồ để xoa dịu thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19.
Dow Jones giảm 580 điểm, chạm đáy thấp nhất trong gần 4 năm - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ tiếp đà giảm khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ đưa nền kinh tế đến bờ vực suy thoái

Chỉ số bình quân Dow Jones đóng cửa thấp hơn 582,05 điểm, giảm 3,1% xuống mức 18.591,93 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 11/2016. S & P 500 giảm 2,9% xuống 2.237,40 điểm. Nasdaq Composite giảm nhẹ 0,3% xuống 6.860,67 điểm khi các nhà đầu tư bắt đầu đặt niềm hy vọng nhỏ vào cổ phiếu công nghệ.

Lần thứ 2 trong vòng 24 giờ, dự luật kích thích tài khóa khổng lồ để xoa dịu tác động kinh tế do đại dịch virus corona (Covid-19) đã không được thông qua. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho hay Quốc hội đã tiến rất gần việc thông qua gói kích thích tài khóa khổng lồ. Mặc dù các phiên thảo luận đang diễn ra, các nhà đầu tư lo lắng sự chậm trễ trong việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế chỉ gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ mà thôi. Lãnh đạo đảng Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer cho biết ông và Bộ trưởng Mnuchin sẽ gặp nhau trong nỗ lực thúc đẩy Quốc hội thông qua dự luật tài khóa như vậy.

Sự thất bại của dự luật tài khóa trước Thượng viện Mỹ đã khiến phố Wall đi xuống ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang FED công bố chương trình mua trái phiếu không hạn định. FED cho biết chương trình này sẽ kéo dài chừng nào cần thiết để hỗ trợ thị trường vận hành ổn định.

Hàng loạt tweet của Trump cũng khiến thị trường lo ngại khi ngài Tổng thống báo hiệu đang xem xét đưa công nhân trở lại làm việc trước khi đại dịch được kiểm soát để hạn chế tối đa tổn thất kinh tế. Lo ngại đã tăng lên khi doanh nghiệp cảnh báo tình trạng vỡ nợ hoặc sa thải lao động hàng loạt nếu lệnh phong tỏa kéo dài khiến doanh thu tổn thất nghiêm trọng. 

Tại Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng lên hơn 35.000 trường hợp, chiếm 1/10 trong số 350.000 ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới hiện tại, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Prajakta Bhide, chiến lược gia tại MRB Partners nhận định không khó để thấy rằng nền kinh tế đang bước vào một cuộc suy thoái đột ngột. Nếu không có những bằng chứng cụ thể về sự hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch bệnh trong 8 tuần tới, người dân và doanh nghiệp sẽ không có cơ sở để bình thường hóa hoạt động kinh tế với tâm lý an toàn. 

Tuần trước, S&P 500 đã chứng kiến mức giảm tồi tệ 13% trong tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Cùng với mức giảm hôm 23/3, S&P 500 hiện đang tụt lùi 34% so với mức đỉnh thời đại thiết lập hôm 19/2.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục