Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Ai được định giá đất?

01/11/2022 17:21 GMT+7
Việc xác định giá đất không chỉ đơn thuần liên quan đến vấn đề kinh tế, lợi ích giữa Nhà nước-doanh nghiệp và người dân mà còn liên quan đến ổn định chính trị, xã hội. Vì vậy, việc xác định tính toán giá đất phải do cơ quan chức năng có trách nhiệm tổng thể cả về chính trị, xã hội đứng ra xem xét.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chính thức trình Quốc hội sáng 1/11. Điểm đáng chú ý tại Dự thảo này đó là việc bỏ quy định khung giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan; bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm.

Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì bảng giá đất được xây dựng theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn. Quy định các trường hợp áp dụng bảng giá đất, trong đó áp dụng bảng giá để để tính thuế thu nhập khi chuyển quyền sử dụng đất.

Mở rộng thành phần Hội đồng thẩm định giá đất với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức tư vấn, chuyên gia về giá đất để đảm bảo tính độc lập, khách quan.

Phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể phù hợp với thẩm quyền của cấp huyện trong giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích...

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Ai được định giá đất? - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, vấn đề định giá đất, tiền trả cho người dân sao cho hài hòa giữa doanh nghiệp và các lợi ích của Nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ được giao khi địa phương giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án là vấn đề đáng quan tâm tại dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Nếu làm được như vậy, việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang các loại đất khác mới thuận lợi, nhanh chóng và hạn chế được những khiếu kiện phức tạp, tiêu cực, tham nhũng…

Tuy nhiên, việc xác định giá đất như thế nào, các quy trình, thủ tục liên quan đến vấn đề định giá đất là nội dung cần được xem xét kỹ lưỡng trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.

Thực tế, việc định giá đất trong thời gian qua cho thấy có lợi ích nhóm và có những hành vi tham nhũng, tiêu cực từ đất đai. Chính vì thế nên mới cản trở và kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng, thậm chí phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Về khung giá đất do Nhà nước quy định, theo đại biểu Lâm đến nay đã lạc hậu, thấp hơn nhiều lần so với giá đất trên thị trường. Khi giải phóng mặt bằng, việc định giá đất được tính như trong khung nhưng thực tế giá trên thị trường rất cao, vượt khung nhiều. Điều này khiến người dân bức xúc, phản đối việc giải phóng mặt bằng, thực hiện đền bù và trả đất cho địa phương thực hiện các dự án.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Ai được định giá đất? - Ảnh 2.

Việc xác định tính toán giá đất phải do cơ quan chức năng có trách nhiệm tổng thể cả về chính trị, xã hội đứng ra xem xét.. (Ảnh: TK)

Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quy định việc bỏ khung giá đất của Nhà nước quy định và cơ quan chức năng cần tính toán giá đất sát với giá thị trường.

Như vậy, cơ chế đã được mở ra nhưng làm thế nào để thực hiện được việc này mới là vấn đề cần bàn luận, đặt ra thách thức với cơ quan quản lý Nhà nước, đại biểu đặt vấn đề.

Theo ông Lâm, việc định giá đất ở các địa phương, vùng miền chưa có đủ dữ liệu thông tin của thị trường để làm căn cứ xác định giá. Vì vậy, khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này.

"Việc xác định giá đất không chỉ đơn thuần liên quan đến vấn đề kinh tế, lợi ích giữa Nhà nước-doanh nghiệp và người dân mà còn liên quan đến ổn định chính trị, xã hội. Vì vậy, việc xác định tính toán giá đất phải do cơ quan chức năng có trách nhiệm tổng thể cả về chính trị, xã hội đứng ra xem xét. Do đó, việc định giá đất là phải giao cho cơ quan chức năng như Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh xác định và hàng năm xây dựng hệ số phù hợp", đại biểu nhấn mạnh.

Tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng đã nhấn mạnh việc Điểm c khoản 2 Điều 165 quy định cơ quan quản lý đất đai được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong xác định giá đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là bắt buộc.

Về nội dung này, đại biểu Lâm cho rằng, để các công ty tư vấn định giá đối với lĩnh vực đất đai thì không thể được mà phải theo Luật Đất đai. Hiện các công ty tư vấn không có đủ các cơ sở dữ liệu quốc gia để nắm bắt, tổng hợp thông tin để xác định giá đất cho phù hợp.

PVKT
Cùng chuyên mục