Đã có hơn 9 triệu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

29/03/2023 16:01 GMT+7
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý. Trong đó, tập trung vào 12 nhóm vấn đề như cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…

Qua tổng hợp của Bộ TN&MT ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Theo đó, có thể thấy phần lớn các ý kiến quan tâm đến 12 nhóm vấn đề chính của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; vai trò của Mặt trận và thành viên của Mặt trận; vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã; phát triển quỹ đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất; xử lý các luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Đại diện Bộ TN&MT nhận định, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật Đất đai đã bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô...

Đã có hơn 9 triệu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 1.

Đã có hơn 9 triệu ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Ảnh: TN)

Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai đã quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp nhà nước thu hồi đất dựa trên các nhóm tiêu chí về các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Mục tiêu của chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự thảo luật là thực hiện chủ trương của Đảng về: chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương.

Theo Bộ TN&MT, quá trình lấy ý kiến nhân dân vừa kết thúc; các bộ, ngành địa phương đang trong quá trình tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân để gửi về Bộ TN&MT trước ngày 20/3/2023 theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ- CP của Chính phủ. Tuy các ý kiến chưa tập hợp một cách đầy đủ nhất nhưng các nội dung góp ý của nhân dân sẽ được tiếp thu, làm rõ để sớm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đảm bảo tính khả thi.

Để đảm bảo tiến độ được giao, cơ quan soạn thảo đã thực hiện đồng thời việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, "có đến đâu làm đến đó". Các ý kiến đều được phân tích kỹ lưỡng, trao đổi với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để thống nhất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Việc tiếp thu, giải trình ý kiến được thực hiện chi tiết từng ý kiến của cá nhân, tổ chức và được tập hợp, tổng hợp báo cáo kết quả đến Chính phủ, Quốc hội và đăng tải công khai theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự thống nhất sẽ được cơ quan soạn thảo tập hợp, báo cáo chi tiết với Chính phủ và Quốc hội xem xét, cho ý kiến cụ thể.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục