Đưa giá thịt heo về dưới 60.000 đồng/kg, nếu không sẽ tăng nhập khẩu

21/03/2020 05:33 GMT+7
Giá heo hơi neo cao quá lâu và nếu các doanh nghiệp cố tình đẩy lên nữa, Chính phủ sẽ tăng nhập khẩu để giảm giá.

Chiều 20/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ về giải pháp bình ổn giá thịt heo.

Hiện giá thành sản xuất mỗi kg thịt heo dao động 35.000-40.000 đồng nhưng giá bán heo hơi vẫn khoảng 72.000-85.000 đồng một kg. Vì thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn bằng các biện pháp phải đưa giá thịt heo xuống dưới 60.000 đồng.

Ông Phúc nhìn nhận, giá thịt heo "neo" cao từ sau Tết ảnh hưởng tới đời sống người dân và tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Mặt hàng này hiện chiếm hơn 50% trong rổ hàng hoá tính CPI, theo Tổng cục thống kê.

Để giảm giá thịt lợn, biện pháp quan trọng theo Thủ tướng là tăng cung bằng cách đẩy mạnh phục hồi đàn lợn trên 32 triệu con, tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, tập đoàn, hộ chăn nuôi như về giá thuê đất, vay ngân hàng... Song song đó, khắc phục khâu trung gian, thu mua, giết mổ, nhất là các lò mổ. "Khâu này rất phức tạp, thực ra người nông dân, người mua thì thiệt hại còn ở giữa thì hưởng lợi", Thủ tướng nhận xét.

Đưa giá thịt heo về dưới 60.000 đồng/kg, nếu không sẽ tăng nhập khẩu - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp bình ổn giá thịt lợn. (Ảnh: VGP)

Nếu các doanh nghiệp cố tình đưa giá lên cao, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ quyết định tăng nhập khẩu thịt heo từ các nước để giảm giá.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn hiện nay ở miền Bắc dao động từ 82.000-85.000 đồng/kg (giảm 5000-10.000 đồng so với tuần đầu tháng 3/2020); giá tại miền Trung và Tây Nguyên ổn định, từ 72.000-85.000 đồng/kg; giá tại miền Nam từ 75.000-81.000 đồng/kg (trong đó có tỉnh tăng, tỉnh giảm, dao động từ 1.000-3.000 đồng/kg). Như vậy, 2 tuần đầu của tháng 3, giá lợn hơi đã tăng trở lại trên phạm vi toàn quốc, sang tuần thứ 3 giá lợn hơi có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức rất cao so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi làm cho nguồn cung lợn và thịt lợn sụt giảm; trong đó, nguồn cung lợn giống giảm, giá cao làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn. Bên cạnh đó, vào tuần đầu tháng 3, do nhu cầu mua hàng từ các thương lái tăng, một số cơ sở chăn nuôi có hiện tượng hạn chế lượng bán ra để chờ giá tăng với lý do lợn thịt chưa đủ trọng lượng xuất chuồng.

Đa phần các lò giết mổ thịt lợn có quy mô nhỏ, không ký hợp đồng mua trực tiếp số lượng lợn lớn từ các công ty chăn nuôi lớn để giết mổ tập trung nên phải mua qua các đơn vị mua buôn (các đơn vị này có hợp đồng mua khối lượng lớn từ các công ty chăn nuôi), sau đó giết mổ và phân phối đến chợ bán buôn và bán lẻ.

Bên cạnh đó, do tập quán ưa thích tiêu dùng thịt lợn nóng của người dân nên đã tồn tại thực trạng có nhiều cấp trung gian thu mua và giết mổ lợn nằm rải rác tại các địa phương để thuận tiện trong hoạt động kinh doanh, giao bán hàng.

Do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm và dịch bệnh Covid-19 làm người dân lo ngại nên đã chuyển sang tiêu dùng thịt lợn hoặc xu hướng mua tích trữ thực phẩm khiến giá các sản phẩm lợn tăng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình mặt bằng giá cả thị trường quý I/2020 có những diễn biến theo hướng biến động tăng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 tăng ở mức 1,23% so với tháng 12/2019; chỉ số của tháng 2/2020 có giảm 0,17% so với tháng 1/2020 nhưng bình quân 2 tháng đầu năm 2020, CPI tăng 5,91% so với cùng kỳ năm 2019 đã có tác động rất lớn đến việc kiểm soát mặt bằng giá trong quý I và cả năm 2020 theo mục tiêu.

A.Vũ
Cùng chuyên mục