Đức khôi phục một số hoạt động sản xuất từ tuần sau
Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây chính thức kêu gọi phục hồi trở lại các hoạt động sản xuất và kinh doanh trọng điểm ở nước này sau khoảng thời gian siết chặt cách ly xã hội trong nỗ lực ngăn chặn lây lan dịch Covid-19. Thông báo này được đưa ra vài giờ trước khi nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Đức tuyên bố mở cửa trở lại nhà máy ở nhiều quốc gia Châu Âu.
Lệnh cách ly xã hội ở nhiều nước Châu Âu nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh đã giáng đòn nặng nề xuống nền kinh tế chung Châu Âu cũng như gia tăng sức ép lên tỷ lệ thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế, buộc chính phủ các quốc gia Châu Âu cân nhắc biện pháp tái khởi động sản xuất nhằm giảm thiệt hại kinh tế về lâu dài.
Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu là một trong những quốc gia tuyên bố nới lỏng các hạn chế muộn nhất ở Châu Âu, sau nhiều nước như Áo, Italy và Pháp. Tuy nhiên Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, quyết định nới lỏng lệnh cách ly sẽ được thực hiện thận trọng từng bước một, theo đó, quốc gia này sẽ cho phép một số ngành công nghiệp trọng điểm tái sản xuất trở lại từ đầu tuần sau với những điều kiện nhất định. Trường học Đức sẽ bắt đầu mở cửa trở lại từ 4/5, tuy nhiên chỉ với học sinh cấp 3.
Đức thực hiện cách ly xã hội từ ngày 16/3, nhưng nền kinh tế nước này không thực sự chững lại hoàn toàn. Khác với Pháp, Italy và Tây Ban Nha, Đức không yêu cầu toàn bộ các nhà máy ngừng hoạt động. Nhiều văn phòng công ty vẫn được phép mở cửa. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất sẽ chỉ được kích hoạt một cách cẩn trọng, trong khi các hoạt động công cộng vẫn sẽ bị cấm cho đến cuối tháng 8, nhà hàng và quán bar cũng chưa được phép kinh doanh trở lại.
Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có tỷ lệ người tử vong do dịch Covid-19 cao nhất thế giới cũng đã cho phép mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh vào đầu tuần sau, nhưng Italy và Pháp vẫn quyết định thực hiện hạn chế cho đến tháng 5.
Theo chuyên gia, kế hoạch kích hoạt sản xuất của Đức cần đảm bảo một số yếu tố như cách ly nhóm đối tượng có khả năng nhiễm bệnh cao, áp dụng nghiêm ngặt biện pháp cách ly xã hội và đeo khẩu trang ở nơi làm việc. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đức mới đây công bố tỷ lệ nhiễm bệnh ở nước này đã giảm đáng kể do chính sách cách ly xã hội được thực hiện nghiêm ngặt.
Dù không thực sự đóng cửa hoàn toàn, nền kinh tế Đức vẫn đang phải đối mặt với tổn thất kinh tế không tránh khỏi do dịch bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Bộ Kinh tế Đức dự đoán nền kinh tế nước này sẽ ở tình trạng suy thoái ít nhất cho đến giữa năm 2020 do chính sách đóng cửa và sụt giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
GDP Đức giảm 9,8% trong quý đầu tiên năm 2020, tuy nhiên, bộ Kinh tế nước này dự đoán GDP sẽ phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2020, với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát trong nửa đầu năm 2020. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất Đức Volkswagen mới đây cũng thông báo sẽ mở cửa trở lại nhà máy của mình ở Châu Âu từ đầu tuần sau, cùng với đó, nhà máy Zwickau của công ty này sẽ được chuyển đổi thành nhà máy sản xuất xe hơi điện từ ngày 20/4.