Đừng bỏ rơi nông dân trong quá trình Hội nhập CPTPP
Phát biểu tại hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” diễn ra sáng 2/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có những chia sẻ đúng mực, chính xác và thẳng thắn xung quanh câu chuyện hội nhập của nông sản Việt trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
5 hiểu lầm về thương mại nông sản quốc tế
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, một số ý kiến cho rằng CPTPP sẽ đem lại cơ hội rất lớn cho xuất khẩu nông sản, cùng với đó là sức ép cạnh tranh vô cùng lớn trên sân nhà.
Đó là một sự hiểu lầm.
CPTPP sẽ có tác động lớn tới Việt Nam nhưng chủ yếu trên phương diện thể chế. Xét về mở cửa thị trường ngoài và sức ép cạnh tranh trên sân nhà, tác động của CPTPP chỉ ở mức vừa phải.
Bởi vì, trong 10 đối tác của CPTPP, ta đã có quan hệ FTA từ rất lâu với 7 đối tác (Singapore, Brunei, Malaysia, Australia, New Zealand, Chile và Nhật Bản). Cơ hội mới và thách thức mới từ các đối tác này, vì vậy, là gần như bằng không. Cơ hội mới và thách thức mới, nếu có, sẽ đến từ 3 đối tác mới là Canada, Peru và Mexico.
Tăng xuất khẩu nông sản vào 3 thị trường này không dễ bởi họ ở rất xa ta, chi phí vận tải khá cao, nhất là với rau quả. Gu tiêu dùng của họ cũng khác. Ở chiều ngược lại, sức ép cạnh tranh đến từ các sản phẩm của họ cũng vậy. “Cho đến nay ta vẫn xuất siêu vào 3 nước này và tôi không nghĩ CPTPP sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh quá lớn cho nông sản của họ trên thị trường nước ta. Tóm lại, sẽ khó có đột biến xảy ra trong thương mại nông sản với 3 thị trường này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo
Hiểu lầm thứ hai, theo ông Khánh, một bộ phận trong chúng ta cho rằng “thị trường quốc tế” cũng là “chợ quốc tế”, cái gì bán được ở chợ huyện thì cũng sẽ bán được ở quốc tế. Ta không quan tâm sản phẩm này là ai trồng, ai nuôi, nuôi trồng thế nào, sử dụng thuốc trừ sâu hay kháng sinh ra sao.
Những, thị trường thế giới không như vậy. Khi mua nông sản của ta, người mua quốc tế muốn biết sản phẩm đó được trồng hoặc nuôi ở đâu. Xuất phát từ đây mà có chuyện đăng ký vùng trồng. Họ cũng muốn biết quy trình làm ra sản phẩm đó là như thế nào, sử dụng thuốc trừ sâu và kháng sinh có đúng cách không. Xuất phát từ đây mà có yêu cầu truy xuất nguồn gốc và kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh.
Hiểu lầm thứ ba, chúng ta nghĩ Trung Quốc là nước thường xuyên thay đổi chính sách, thỉnh thoảng lại “cấm biên”. Thực tế không phải vậy.
Chính sách của Trung Quốc đối với rau quả nhập khẩu từ nước ta về cơ bản là ổn định. Từ trước tới nay họ mới chỉ đồng ý nhập khẩu 8 loại trái cây từ nước ta. Bơ, na, sầu riêng, chanh leo, thạch đen .. không có tên trong danh sách này. Nhưng ta vẫn bán được các loại nông sản này vào Trung Quốc thông qua một hình thức đặc thù là “trao đổi cư dân”.
Hiểu lầm thứ tư là “được mùa mất giá” và “phải chiến thắng trên sân nhà”.
Được mùa là cung tăng lên trong khi cầu không đổi. Theo quy luật cung – cầu, giá tất yếu sẽ giảm. Ta chiếm vị trí số 1 thế giới về sản lượng hạt tiêu và cà phê vối, đồng thời nằm trong Top 5 thế giới đối với nhiều nông sản khác. Cả thế giới nín thở theo dõi mùa vụ của ta bởi họ biết nếu ta được mùa, giá sẽ giảm mạnh. Chỉ có chúng ta không ngừng thắc mắc: “Vì sao được mùa giá lại giảm”?
Hiểu lầm thứ năm, xuất khẩu là cứu cánh duy nhất cho sản xuất nông nghiệp.
Ta có thể giúp sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ bà con nông dân bằng nhiều cách. Trước hết là phát triển công nghiệp, dịch vụ, giúp thu hút bớt lao động từ nông nghiệp. Ta cũng có thể giúp bà con qua công tác giống, thủy lợi, khuyến nông v..v, tức là giúp ở những khâu phụ trợ nhưng rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Nếu làm tốt những khâu này, chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên và nông sản của ta sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn trên trường quốc tế.
“Nói tóm lại, có nhiều cách để giúp người nông dân. Xuất khẩu chỉ là một trong các cách đó mà thôi”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh thêm.
Đừng bỏ rơi người nông dân
Đứng trên góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo TGĐ Thái Bình Seed cho hay, bài toán thương hiệu đang là một yếu điểm mà Việt Nam cần sớm khắc phục mới có thể “cất cánh bền vững” trong CPTPP.
Ông Báo lấy dẫn chứng, hiện tại Việt nam có rất nhiều giống gạo chất lượng và được các chuyên gia nông sản người Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc…đánh giá cao thế nhưng tại sao sản phẩm của chúng ta vẫn gặp khó trong xuất khẩu. Đó là vì chúng ta không quảng bá, không xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nông sản của mình”, lãnh đạo doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Ông Báo và các chuyên gia đều cho rằng, nông sản Việt cần coi trọng xây dựng thương hiệu từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi quá trình phải là một khâu xây dựng thương hiệu trên cơ sở sản phẩm sạch, giống chất lượng, quy trình bài bản. Muốn tận dụng được hiệu quả và triệt để nhất cơ hội từ CPTPP hay các EVFTA, hơn lúc nào hết Chính phủ cần phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu quốc gia một cách đồng bộ và vững mạnh.
Ông Nguyễn Đăng Cường- Giám đốc Công ty TNHH Lucavi phát biểu tại Hội thảo
Còn theo ông Nguyễn Đăng Cường- Giám đốc Công ty TNHH Lucavi: “Với CPTPP, cần phải xem xét lại nền nông nghiệp sản xuất của Việt Nam. Đối với đồng bằng sông Hồng, diện tích rất nhỏ lẻ, doanh nghiệp như Lucavi muốn xuất khẩu, muốn liên kết trực tiếp với nhau thì phải tác động thông qua hợp tác xã và doanh nghiệp làm về nông nghiệp xuất khẩu có chế biến. Sự phân tán như vậy tạo nên nhiều yếu kém trong khâu chế biến.
“Người nông dân, doanh nghiệp rất mong Chính phủ cũng như các bộ, ngành có những mô hình, công nghệ chế biến mới để nông dân gắn kết với nhau vượt qua những khó khăn. Bên cạnh đó, muốn hội nhập phải cho chúng tôi những thông tin về hội nhập. Đừng bỏ rơi nông dân, các hộ kinh doanh, hợp tác xã nhỏ, siêu nhỏ... Chúng tôi rất mong, người nông dân được tự quyền khai thác trên chính những mảnh đất của mình”, ông Cường nói.