FED cắt giảm lãi suất 0,25%, ông Trump chỉ trích: "không có tầm nhìn"
FED cắt giảm lãi suất 0,25%, không phát tín hiệu cắt giảm thêm khiến Trump giận dữ
Cục Dự trữ Liên bang FED hôm 18/9 đã phê duyệt một đợt cắt giảm lãi suất 0,25%, đưa mức lãi suất liên bang cơ bản xuống 1,75-2%. Quyết định được FED đưa ra 2 tháng sau đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 7/2019. Tuy nhiên, các quan chức FED không mở ra triển vọng một đợt điều chỉnh lãi suất nào vào cuối năm như thị trường kỳ vọng. Chứng khoán Mỹ đã giảm sau cuộc họp báo của FED vào chiều 18/9.
Hành động cắt giảm lãi suất của FED diễn ra sau hàng loạt động thái chỉ trích, gây áp lực từ Tổng thống Donald Trump, bao gồm cả việc yêu cầu FED đưa lãi suất về mức 0 hoặc âm để kích thích nền kinh tế. Trong khi chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định FED đang hành động phù hợp vì mục tiêu ổn định kinh tế, thì nội bộ FED lại không được bình ổn như thế. Sự chia rẽ đã hiện ra rõ ràng trong kết quả bỏ phiếu. 3 quan chức FED là Esther George (Chủ tịch FED Kansas), Eric Rosengren (Chủ tịch FED Boston) và James Bullard (Chủ tịch FED St. Louis) bỏ phiếu phản đối đợt cắt giảm lãi suất 0,25% vừa qua. Trong khi George và Rosengren muốn giữ lãi suất ổn định ở 2-2,25% thì Bullard ủng hộ cắt giảm lãi suất 0,5%. Đây là lần bất đồng quan điểm sâu sắc nhất của các quan chức FED kể từ tháng 12/2014 đến nay.
FED còn lục đục cả về chính sách tiền tệ trong tương lai, khi 5 thành viên ủng hộ duy trì lãi suất trước đó, 5 thành viên thấy nên ổn định lãi suất ở mức vừa cắt giảm là 7 thành viên khác cho rằng nên có thêm ít nhất một đợt cắt giảm khác trong năm nay.
Chủ tịch FED Jerome Powell trong cuộc họp báo sau hội nghị đã không phát tín hiệu cho đợt cắt giảm lãi suất nào vào cuối năm, điều khiến cả Tổng thống Donald Trump và thị trường thất vọng. Ông Trump sau đó lên Twitter than thở FED "không đủ gan dạ, không có ý nghĩa cũng chẳng có tầm nhìn" để hành động đột phá như ông mong đợi.
"FED có lẽ muốn giảm lãi suất xuống một chút nữa, nhưng nền kinh tế lại đang duy trì một trạng thái tăng trưởng tốt" - ông Josh Faranello, chuyên gia phân tích tỷ giá từ AmeriVet Securities nhận định. Thật vậy, Chủ tịch FED Jerome Powell đã viện dẫn chi tiêu hộ gia đình tăng trưởng mạnh mẽ và hàng loạt dữ liệu kinh tế khác cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn trong trạng thái tốt.
FED đang đánh mất quyền kiểm soát lãi suất
Tuần qua là chuỗi ngày khó khăn với thị trường cho vay ngắn hạn, khi mà lãi suất cho vay qua đêm có lúc vọt lên tới 10%, gấp 4 lần hồi đầu tuần. Quan trọng hơn, lãi suất ngắn hạn là một trong những công cụ để FED thực thi chính sách tiền tệ của mình cho những kích thích kinh tế. Lãi suất quỹ FED hôm 17/9 vọt lên 2,3%, vượt ngưỡng mục tiêu 2-2,25% mà FED đặt ra hồi tháng 7.
Mức lãi suất ngắn hạn quá cao đã buộc FED phải hành động để làm dịu thị trường bằng cách bơm hàng tỷ USD tiền mặt gần như lập tức. Chỉ tính riêng hôm 17/9, FED đã bơm vào thị trường 53,2 tỷ USD cho các giao dịch trái phiếu. Hôm 18/9, FED bơm thêm 75 tỷ USD cho các hợp đồng mua lại. Phương pháp này có vẻ hiệu quả. Lãi suất repo đã về mức 2,25-2,6% sau khi tăng vọt lên hơn 9%.
Michael Schumacher - giám đốc kiêm chiến lược gia lãi suất từ Wells Fargo nhận định: "Đây không phải một dấu hiệu lạc quan. Các anh là FED toàn năng. Các anh được cho là có thể kiểm soát lãi suất nhưng cuối cùng thì không. Thật tồi tệ làm sao. Powell đã có một ngày đầy khó khăn".
Schumacher cho rằng các hành động bơm tiền của FED hôm 17-18/9 đã phần nào làm dịu thị trường cho vay ngắn hạn, nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao có sự biến động lãi suất đột ngột như thế. Nó rõ ràng không phải một cuộc khủng hoảng tài chính hay tín dụng, nó đơn thuần chỉ thể hiện sự mất kiểm soát hoạt động cho vay ngắn hạn của FED mà thôi.
Hành động phê duyệt cắt giảm lãi suất 0,25%, đưa lãi suất liên bang cơ bản xuống mức 1,75-2% của FED hôm 18/9 cũng được coi là một nỗ lực bình ổn lãi suất.