FED cắt giảm lãi suất về 0 không vực dậy được phố Wall hoảng loạn
Hôm 15/3, Cục Dự trữ Liên bang FED tuyên bố cắt giảm lãi suất 1%, đưa lãi suất cơ bản từ mức mục tiêu 1-1,25% xuống mức 0-0,25%, ngang với mức lãi suất thấp kỷ lục hồi năm 2015.
FED đồng thời tung ra gói nới lỏng định lượng QE khổng lồ trị giá 700 tỷ USD, trong đó 500 tỷ USD được dùng cho các giao dịch mua lại trái phiếu còn 200 tỷ USD phân bổ vào các giao dịch mua lại chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp. Các giao dịch sẽ bắt đầu ngay trong ngày 16/3.
Một vài động thái khác cũng được FED đưa ra để kích thích tín dụng trong bối cảnh dịch virus corona bùng phát, bao gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc RRR xuống mức 0, phối hợp với các ngân hàng quốc gia khác (ngân hàng Anh, ngân hàng Nhật Bản, ngân hàng Châu Âu, Ngân hàng Thụy Sĩ) để đảm bảo nguồn cung USD trên thế giới ở mức ổn định thông qua các hợp đồng hoán đổi… Trong một lưu ý riêng, FED cho biết cửa sổ chiết khấu và tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm về 0 đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thanh khoản và sự ổn định của hệ thống ngân hàng cũng như hiệu quả của các chính sách tiền tệ nhằm đưa dòng chảy tín dụng tiếp cận hộ gia đình và doanh nghiệp.
Những nỗ lực của FED hôm 15/3 được xem là động thái lớn nhất mà Ngân hàng Trung Ương đã thực hiện để xoa dịu cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra cho nền kinh tế trong nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định cơ quan này sẽ không đưa lãi suất xuống mức âm như nhiều ngân hàng, trong đó có ngân hàng Châu ÂU ECB đang áp dụng. “Chúng tôi sẽ duy trì lãi suất ở mức hiện tại cho đến khi chúng tôi tin tưởng nền kinh tế đã vượt qua những khó khăn gần đây và đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu ổn định thị trường lao động và lạm phát mục tiêu” - ông Powell tuyên bố.
Jerome Powell cũng đồng thời đảm bảo FED sẵn sàng sử dụng mọi công cụ để hỗ trợ dòng tín dụng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp để thúc đẩy các mục tiêu ổn định thị trường việc làm và tỷ lệ lạm phát tối đa.
Tổng thống Donald Trump, người nhiều lần chỉ trích FED vì những chính sách tiền tệ không đủ mạnh để hỗ trợ nền kinh tế, đã lập tức hoan nghênh những gói kích thích và nới lỏng lớn từ ngân hàng Trung Ương. “Động thái của FED khiến tôi rất vui mừng, tôi muốn chúc mừng cơ quan này. Đó là một bước đột phá, tôi mừng vì họ hành động như vậy”.
Bất chấp động thái tích cực như vậy, phản ứng của thị trường không lạc quan như mong đợi. Chỉ số Dow Jones tương lai giảm mạnh 1.000 điểm. Nasdaq Composite và S&P 500 tương lai cũng rơi xuống mức thấp khi các báo cáo cho thấy số ca nhiễm virus corona tại Mỹ tăng vọt lên 2.952 trong khi số ca tử vong được báo cáo lên tới 57 trường hợp.
Khi dịch virus corona bùng phát tại Mỹ, các nhà kinh tế JP Morgan dự đoán mức tăng trưởng âm trong quý I cho nền kinh tế Mỹ, trong khi Goldman Sachs cũng hạ dự báo tăng trưởng quý I xuống 0,7%, mức thấp kỷ lục.