Gã gàn nuôi trai nhả ngọc trên cao nguyên

07/04/2020 11:41 GMT+7
Ở cao nguyên M’Đrắk (Đắk Lắk) có một anh “gàn” bỏ nhiều thời gian, công sức, tiền của nghiên cứu, thử nghiệm và đã thành công bước đầu bằng mô hình nuôi trai lấy ngọc.

Ở cao nguyên M’Đrắk (Đắk Lắk) có một anh “gàn” bỏ nhiều thời gian, công sức, tiền của nghiên cứu, thử nghiệm và đã thành công bước đầu bằng mô hình nuôi trai lấy ngọc.

Gã gàn nuôi trai nhả ngọc trên cao nguyên - Ảnh 1.

Kiểm tra tình hình phát triển của con trai bản địa đã cấy nhân.

Anh “gàn” đó chính là Nghiêm Quang Tuấn (45 tuổi, ở thị trấn M’Đắk). Anh Tuấn vốn làm nghề mộc. Năm 2015 khi đang sở hữu một xưởng mộc lớn, có mức thu nhập nhiều người ao ước, anh quyết bỏ ngang về tỉnh Ninh Bình học nghề nuôi trai lấy ngọc.

“Hồi đó tình cờ xem ti vi thấy mô hình lạ và hấp dẫn quá. Vì tôi thường nghe nuôi trai dưới biển chứ chưa nghe nuôi ở vùng nước ngọt nên tò mò muốn làm thử. Tính tôi thích là làm, ai nói gì cũng bỏ ngoài tai”, anh Tuấn kể cơ duyên đến với nghề.

Học nghề ở tỉnh Ninh Bình được nửa năm, anh Tuấn quay về quê thực hiện mô hình song gặp nhiều khó khăn.

Anh Tuấn kể: Sau khi khảo sát kỹ hệ thống ao hồ, chọn nơi nuôi thích hợp, anh bỏ 350 triệu đồng mua hai tấn trai đen cánh dẹp từ Ninh Bình về cấy ngọc nhưng vừa tới nơi con giống đã chết vì bị sốc nhiệt. Anh gom tiếp mua lại một tấn con giống mới, nhờ rút kinh nghiệm từ lần hất bại trước nên giảm được tỉ lệ trai giống chết.

Sau đó anh nuôi dưỡng, phục hồi sức khỏe rồi chọn những con trai to, không bị dị tật để cấy nhân. Công đoạn được anh thực hiện rất cẩn trọng nếu không trai giống sẽ chết, không ngậm nhân hoặc viên ngọc được tạo thành không đạt chất lượng.

Gã gàn nuôi trai nhả ngọc trên cao nguyên - Ảnh 2.

Kiểm tra trai nuôi.

Sau khi cấy nhân vào trai giống thành công, anh Tuấn tiếp tục tìm đi tham quan nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước. Cuối năm 2017, anh thu hoạch mẻ ngọc đầu tiên được 400 viên đủ sắc màu: trắng, tím, hồng ngọc, hồng, vàng... Hạnh phúc vỡ òa, anh bán ngay số ngọc trên cho một đầu mối ở Ninh Bình để lấy vốn tái đầu tư. Nhận thấy việc nhập trai giống từ ngoài Bắc vào quá nhiều rủi ro, anh chủ động nghiên cứu và đã nhân giống thành công trai cánh dẹp, mở đường cho việc nhân rộng mô hình.

Ngoài việc nhân giống trai “ngoại’, anh Tuấn còn tìm hiểu khả năng cho ngọc của con trai bản địa. Đang lúc bí, cuối năm 2018, anh được nguời dân trong huyện tặng cho một con trai bản địa to, mập hơn bàn tay người, bên trong có một hạt màu hồng rất cứng. Họ tình cờ nhặt được con trai này trong ao, mổ ra thấy hình thù kỳ lạ bèn mang tặng cho anh vì biết anh “gàn” này đang nghiên cứu về trai. Anh Tuần liền bọc nguyên viên ngọc thô này đeo bên mình như một bảo bối bởi nó trả lời giúp anh khả năng cho ngọc của trai bản địa.

Anh đang thử nghiệm việc lấy tế bào của trai bản địa ghép sang con trai đen cánh dẹp để phát triển ngọc nhanh và đẹp. Do lớp xà cừ trong con trai bản địa rất chắc và đẹp, quyết định đến màu sắc giá trị của viên ngọc. Qua theo dõi bước đầu, con trai cấy ghép sinh trưởng tốt, tốc độ phủ ngọc nhanh, chất lượng ngọc sáng bóng.

Gã gàn nuôi trai nhả ngọc trên cao nguyên - Ảnh 3.

Anh Tuấn bên viên ngọc tự nhiên được tặng.

Hiện anh Tuấn đang hợp tác với nhiều nông hộ có sẵn diện tích ao nước đang thả cá thương phẩm ở các xã trong huyện M’Đrắk mở rộng mô hình nuôi trai lấy ngọc lên 13 ao với hơn 70 nghìn con trai đã được cấy 2-4 nhân ngọc/con. Hằng tuần, chủ ao sẽ thông báo tình hình thời tiết, kiểm tra khả năng sinh trưởng của con trai cho anh Tuấn. Theo anh, việc nhân rộng mô hình cần thận trọng nếu không dễ gặp thất bại.

Con trai chỉ ăn phù du, các loại rong tảo tự nhiên nên người nuôi không tốn chi phí thức ăn. Tuy vậy, người nuôi cần theo dõi thời tiết để kịp thời xử lý khi có sự cố. Trai nuôi từ 2 năm trở lên có thể thu hoạch lấy ngọc, để càng để lâu ngọc càng lớn, đẹp và sáng bóng. Thị trường tiêu thụ mặt hàng này khá rộng, xuất được đi nước ngoài, có giá bán hấp dẫn; một viên ngọc dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/viên, loại to, đẹp, sắc hơn có giá từ 1 đến vài triệu đồng/viên.

Theo ông Đinh Khắc Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn chưa có đề tài nghiên cứu chính thức nào về nuôi trai lấy ngọc ở vùng nước ngọt ngoài mô hình của anh Nghiêm Quang Tuấn. Sở cũng đang hướng dẫn các thủ tục hành chính để anh Tuấn triển khai thêm mô hình thí điểm để có những đánh giá cụ thể, sát thực, toàn diện.

Huỳnh Thủy/Nông nghiệp Việt Nam
Cùng chuyên mục