Gạo Ấn Độ nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, 5 doanh nghiệp vào “tầm ngắm”
Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, Đoàn công tác của cơ quan này đã làm việc với 5 doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuận Minh; Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến và Công ty TNHH Khánh Tâm.
Theo đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp nêu trên chuẩn bị báo cáo về các nội dung liên quan đến tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ gạo Ấn Độ tại văn bản số 435 ngày 22/6 của Cục Xuất nhập khẩu về việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ để làm việc với đoàn kiểm tra.
Trước đó, ngày 24/6/2021, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có công văn hỏa tốc gửi các thương nhân xuất nhập khẩu gạo. Qua đó, công văn nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát tình hình xuất nhập khẩu gạo trong các tháng đầu năm 2021.
Qua đó, ngành chức năng yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo về các nội dung liên quan đến tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ gạo Ấn Độ tại văn bản số 435/XNK-NS ngày 22/6/2021 của Cục Xuất nhập khẩu.
Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam đã đạt gần 247.000 tấn, trị giá 74,8 triệu USD. Con số này tăng đột biến hơn 3.250 lần về lượng và tăng gần hơn 554 lần về trị giá so với 76 tấn, trị giá 135 triệu USD của cùng kỳ năm 2020.
Được biết, đây là lượng gạo nhiều nhất từ trước đến nay mà Ấn Độ đã xuất khẩu sang Việt Nam. Trước đó, giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn từ 500 tấn cho đến vài nghìn tấn.
Từ năm 2020 Việt Nam đã bất ngờ nhập khẩu 46.700 tấn gạo từ thị trường Ấn Độ, tăng hơn 9,5 lần so với năm 2019 và xu hướng tăng vẫn tiếp tục diễn trong những tháng đầu năm 2021.
Được biết, theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Việt Nam cam kết xóa bỏ 80% số dòng thuế vào năm cuối lộ trình là năm 2021 (71% số dòng thuế vào 2018, và 9% số dòng thuế vào 2021), 10% số dòng thuế còn lại chỉ cắt giảm vào cuối lộ trình (năm 2024).
Riêng đối với sản phẩm gạo theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của AIFTA, các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%.
Trong khi đó, giá 2 loại gạo này của Ấn Độ hiện chỉ ở mức khoảng 388 USD/tấn và 273 USD/tấn (theo biểu giá gạo được công bố bởi VFA), thấp hơn trên 100 USD/tấn so với gạo cùng loại của Việt Nam đang giao dịch trên sàn thế giới.
Theo nhận định của giới chuyên môn, đây có thể là nguyên nhân gạo Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam có xu hướng tăng lên trong thời gian qua.
Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE - cho biết, mặc dù doanh nghiệp nhập khẩu lý giải rằng lượng gạo này chủ yếu để làm bánh, bún… do nguồn cung trong nước thiếu hụt. Tuy nhiên, có một số đã đánh bóng, rồi pha trộn thêm gạo trắng Việt Nam sau đó xuất khẩu ra nước ngoài với xuất xứ Việt Nam.
Trước nguy cơ gạo Ấn Độ "đội lốt" xuất xứ Việt Nam, một số thương nhân xuất khẩu gạo đã kiến nghị cần có cơ chế giám sát đối với gạo nhập khẩu. Qua đó, gạo Việt Nam có thể tránh tình trạng "nhập nhèm" về xuất xứ gây mất uy tín ở các thị trường xuất khẩu.