Giá cà phê tiếp nối đà tăng trong sự thận trọng của giới đầu cơ
Giá cà phê hôm nay 22/12: Tiếp tục tăng 200 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng thêm 20 USD, lên 1.976 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 11 USD, lên 1.879 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 1,55 cent, lên 169,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 1,45 cent, lên 169,95 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 200 đồng, lên dao động trong khung 40.300 - 41.000 đồng/kg. Trong đó, Lâm Đồng ghi nhận mức giá thấp nhất là 40.300 đồng/kg. Tiếp theo là tỉnh Đắk Lắk với mức 40.900 đồng/kg. Tương tự, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cùng điều chỉnh tăng lên mức 41.000 đồng/kg trong hôm nay.
Giá cà phê trên cả 2 sàn đều được hưởng lợi nhờ đồng USD suy yếu. USD giảm mạnh do tốc độ tăng lạm phát ở Mỹ đã suy yếu dẫn tới các nhà đầu tư ngày càng có tâm lý chấp nhận rủi ro. USD tiếp tục suy yếu đã hỗ trợ giá cả của hầu hết hàng hóa lấy lại đà tăng nhờ các Quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường để tăng mua khi các tiền tệ mới nổi tăng thêm giá trị.
Giá cả phê Robusta với các chỉ số kỹ thuật đang cho tín hiệu trung tính, xu hướng giá chưa xác lập rõ nét trong ngắn hạn. Dự kiến giá Robusta còn giằng co tích lũy trước khi tìm hướng tăng.
Tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn ICE London tính tới 19/12 đã giảm thêm 8.820 tấn, tương ứng 11.84% so với tuần trước và ghi nhận chuỗi giảm kéo dài 7 tuần liên tiếp góp phần hỗ trợ cho đà tăng phục hồi của giá cà phê Robusta.
Trong khi đó, đồng Real của Brazil tăng so với USD đã kìm hãm đà bán của nhà sản xuất góp phần hỗ trợ giá cà phê Arabica tăng.
Trong khi đó, tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn ICE New York ghi nhận đến ngày 20/12 tăng 11.602 lên 765.583 bao và gần 300.000 bao đang chờ phân loại. Yếu tố này đã tác động tiêu cực lên giá cà phê Arabica.
Ngoài ra, chứng khoán Mỹ tăng ngày thứ hai liên tiếp đã thể hiện sự lạc quan của Phố Wall trước kỳ vọng vào chỉ số niềm tin của người tiêu dùng cao hơn và lo ngại rủi ro giảm bớt.
Góp phần vào sự lạc quan chung của các thị trường cà phê kỳ hạn là Báo cáo Thương mại tháng 11 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (International Coffee Organization – ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã giảm 1,9% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống chỉ đạt 6,96 triệu bao. Trong vòng 12 tháng, kết thúc vào tháng 10/2022, xuất khẩu cà phê Arabica đạt tổng cộng 90,54 triệu bao, giảm 2,0 % và xuất khẩu cà phê Robusta tăng 2,48 % so với cùng kỳ năm trước.
Theo dữ liệu báo cáo của Safras & Mercado, tính đến nay người Brasil đã bán được 71% sản lượng cà phê vụ mùa 2022/2023, tương đương 40,84 triệu bao, trong tổng sản lượng ước tính 57,3 triệu bao, cao hơn một chút so với sức trung bình 5 năm qua là khoảng 69%.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 ở mức 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước.
Tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao loại 60kg trong niên vụ 2022-2023 so với 164,9 triệu bao của vụ 2020-2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.
Tại Honduras, ngành cà phê tiếp tục phải vật lộn với bệnh gỉ sắt lá trong khi sản lượng của Guatemala giảm do khí hậu khắc nghiệt và tình trạng thiếu lao động.
Với Colombia, sản lượng cà phê được dự báo giảm 12%. Liên đoàn Những người trồng cà phê Colombia (FNC) cho rằng, sự sụt giảm sản lượng là do ảnh hưởng của hiện tượng La Niña khiến mưa nhiều hơn, tác động tiêu cực đến các đồn điền cà phê của nước này.
Với Brazil, mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) điều chỉnh sản lượng Brazil giảm 2,6% xuống mức 62,6 triệu bao.
Cũng theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 10, tháng đầu tiên của niên vụ cà phê 2022-2023 chỉ đạt 9,7 triệu bao (loại 60kg/bao), giảm 1,9% so với cùng kỳ niên vụ 2021-2022.
Trong đó, 88% là cà phê nhân xanh với khối lượng vào khoảng 8,5 triệu bao, giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Sự sụt giảm này được ghi nhận trên tất cả các nhóm cà phê, nhưng riêng nhóm cà phê arabica Brazil khởi đầu niên vụ mới với triển vọng khá tích cực khi tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu đà tăng trưởng trong tháng thứ ba liên tiếp, đạt 3,4 triệu bao.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 11/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.371 USD/tấn, giảm 8,5% so với tháng 10/2022, nhưng tăng 4,7% so với tháng 11/2021.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 đạt mức 2.297 USD/tấn, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. Xét về thị trường, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường chủ lực trong tháng 11/2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ Mỹ và Bỉ giảm.
Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Italy, Bỉ, Tây Ban Nha và Anh tăng. Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang Đức, Mỹ, Philippines và Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm 2021.