Giá dầu giảm, Mỹ vẫn duy trì mức sản lượng cao kỷ lục
Mặc dù giá dầu giảm, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ vẫn tiếp tục duy trì sản lượng 12 triệu thùng/ ngày, mức cao nhất mọi thời đại. Thậm chí, sản lượng có thể sẽ tăng tới 13 triệu thùng/ ngày, theo tiết lộ từ Thứ Trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Dan Brouillette hôm 12.6.
“Mỹ sẽ duy trì, thậm chí đẩy cao sản lượng sản xuất dầu mặc dù giá dầu đang giảm và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại” - ông Dan Brouillette khẳng định.
Hợp đồng tương lai dầu WTI đã giảm gần 20% kể từ khi đạt đỉnh vào cuối tháng 4.2019. Giá dầu trên thị trường thế giới cũng đồng loạt giảm do quan ngại suy thoái kinh tế làm giảm sản lượng tiêu thụ dầu.
Trong khi các nhà phân tích lo ngại chiến tranh thương mại gây suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu dầu, ông Dan Brouillette lại bác bỏ việc nhu cầu dầu bị ảnh hưởng vì tăng trưởng kinh tế chậm lại. “Tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đã giảm tốc trong suốt nửa đầu năm 2019. Tuy nhiên, tôi đoán rằng một khi nền kinh tế hồi phục trở lại sẽ kéo nhu cầu dầu tăng theo, đây sẽ là tin tốt cho các nhà sản xuất dầu”.
Bất chấp giá dầu giảm, Mỹ vẫn giữ sản lượng dầu mỏ khí đốt ở mức kỷ lục
Hôm nay 12.6, giá dầu Brent kỳ hạn đang ở mức 61.34/ thùng còn giá dầu thô ngọt nhẹ WTI ở mức 52.40 USD/ thùng, giảm mạnh so với mức đỉnh lần lượt là 74 USD và 66 USD trong tháng 4.
Sản lượng sản xuất khí đốt của Mỹ đã tăng 11.5% trong năm 2018, mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1951, theo báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế. Hiện nay, Úc và Qatar là hau nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (một loại nhiên liệu được làm lạnh và vận chuyển qua đường ống trên biển) lớn nhất thế giới. Còn Mỹ, trong tham vọng trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng hàng đầu cũng đang đẩy mạnh nguồn cung dự kiến.
Dù vậy, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, các nhà phân tích quan ngại mức thuế quan mà Trung Quốc áp đặt lên khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Mỹ có thể khiến tham vọng của Washington bị đình trệ. Hiện tại, Trung Quốc được biết đến như nhà nhập khẩu khí đốt hóa lỏng lớn thứ hai thế giới.
Ở chiều ngược lại, ông Dan Brouillette vẫn khẳng định mức thuế quan mà Trung Quốc nhắm vào dầu mỏ, khí đốt sẽ không ngăn cản Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Điều này dựa trên nhu cầu ngày một cao từ phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước Châu Á ngoài Trung Quốc. Ông Dan còn cho biết kim ngạch xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ sang Hàn Quốc và Nhật Bản cao hơn nhiều lần Trung Quốc. Cộng thêm thị trường nhập khẩu Mexico, tương lai cho ngành nhiên liệu của Mỹ là hết sức tươi sáng.