Giá dầu tăng 20% khi nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi từ đáy

06/05/2020 10:06 GMT+7
Giá dầu tăng mạnh trong phiên giao dịch 5/5 sau khi các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng phục hồi nhu cầu dầu nhờ sự mở cửa trở lại của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Giá dầu tăng 20% khi nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi từ đáy - Ảnh 1.

Giá dầu WTI tăng vọt 20% khi nhu cầu dầu toàn cầu vượt đáy

Giá dầu WTI giao tháng 6 của Mỹ tăng mạnh 20,45%, tương đương 4,17 USD/ thùng lên 24,56 USD/ thùng. Trước đó, hợp đồng tương lai dầu WTI cũng tăng 3,08% trong phiên giao dịch 4/5, lần đầu đưa giá dầu WTI giao dịch trên 20 USD/ thùng kể từ giữa tháng 4 đến nay. Đây cũng là phiên tăng thứ 5 liên tiếp giá dầu WTI và là chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 7/2019 đến nay.

Giá dầu Brent chuẩn quốc tế tăng 13,86% lên mức 30,97 USD / thùng, cũng là phiên tăng thứ 5 liên tiếp.

Magn Nysveen, trưởng bộ phận phân tích của Rystad Energy nhận định: “Một điều dễ thấy, nhu cầu dầu đã vượt qua thời điểm chạm đáy và giá dầu đang dần tăng lên. Lý do quan trọng nhất đẩy giá dầu tăng trở lại là dữ liệu giao thông trên thế giới đang cho thấy sự phục hồi, mở ra triển vọng tăng nhu cầu dầu”.

Tổng thống Trump cũng ngay lập tức đăng tweet ăn mừng khi giá dầu WTI tăng hơn 20%. “Giá dầu tăng mạnh khi nhu cầu dầu phục hồi trở lại” - Trump viết. 

Trước đó, nhu cầu dầu đã giảm sâu trên toàn cầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát buộc nhiều chính phủ thực hiện phong tỏa hoặc cách ly xã hội, khiến hàng tỷ người dân phải chôn chân trong nhà và hoạt động giao thông đình trệ. Nhưng khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại, một số tiểu bang của Mỹ như Florida bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất từ đầu tuần này, các nhà đầu tư có lý do để lạc quan rằng nhu cầu dầu đang trên đà phục hồi. Không riêng Mỹ, một số quốc gia Châu Âu như Italy cũng đang dỡ bỏ dần các hạn chế kiểm dịch. Hàng triệu người Italy sẽ đi làm trở lại trong tuần này, khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại quốc gia này giảm đáng kể. Thị trường tin rằng việc khôi phục hoạt động trong nền kinh tế chắc chắn sẽ thúc đẩy giá dầu tăng trở lại.

Michael Tran, nhà phân tích của RBC cho biết việc mở cửa trở lại tại các nền kinh tế lớn đã mang đến sự lạc quan cho một thị trường dầu mỏ sụt giảm mạnh trong vài tuần trước đó. 

Stacey Morris, giám đốc nghiên cứu của Alerian thì khẳng định: “Có lý do để tin rằng chúng ta đã trải qua giai đoạn nhu cầu dầu giảm tồi tệ nhất. Báo cáo từ nhiều công ty đã chỉ ra sự phục hồi phần nào nhu cầu dầu của người Mỹ vào cuối tháng 4”. 

Triển vọng giá dầu tăng cũng xuất hiện khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử 9,7 triệu thùng dầu/ ngày của OPEC và các đồng minh có hiệu lực từ đầu tháng 5 này. Một số quốc gia không tham gia thỏa thuận như Na Uy và Canada đồng thời tiến hành cắt giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu giao dịch ở mức âm lần đầu tiên trong lịch sử hôm 20/4. Các nhà sản xuất dầu tại Mỹ cũng hạ sản lượng hoặc đóng giếng dầu do giá dầu quá thấp. Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy sản lượng dầu bình quân hàng tuần trong trung tuần tháng 4 đạt 12,1 triệu thùng/ ngày, tức thấp hơn 1 triệu thùng/ ngày so với mức cao nhất mọi thời đại 13,1 triệu thùng/ ngày hồi tháng 3. Exxon, Chevron và ConocoPhillips là một trong những công ty đã cắt giảm sản lượng khi giá dầu giảm sốc. Giờ đây, khi mức giá dần phục hồi trở lại, triển vọng tăng quy mô sản xuất đã dần hiện ra.

Dù vậy, giá dầu WTI đang cách mức đỉnh trong năm qua tới 68% trong khi giá dầu Brent cũng thấp hơn 62% so với mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Chỉ vài tháng trước đó, hôm 8/1, giá dầu WTI giao dịch ở mức 65,65 USD/ thùng.

Các thương nhân cảnh báo rằng con đường phục hồi giá dầu trở lại đỉnh sẽ còn rất dài và đầy bất ổn. Ngay cả khi nhu cầu dầu toàn cầu đang phục hồi trở lại, các kho lưu trữ dầu cũng nhanh chóng được lấy đầy và sắp tràn trong những tháng tiếp theo. Tức là thị trường giao dịch dầu vẫn dễ dàng tổn thương trước bất kỳ biến động nào của nền kinh tế.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục