Giá điện mặt trời 2021, khi nào mới có?
Nguyên nhân của tình trạng trên là do Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020.
Tuy nhiên, cho tới nay chưa có Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công Thương.
Theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, phát triển ĐMT cũng cần cân nhắc tốc độ phù hợp để đảm bảo vận hành ổn định an toàn hệ thống điện.
Do vậy, trải qua giai đoạn đầu khuyến khích thì tới đây sẽ tiến tới giai đoạn có chọn lọc nên chính sách giá ngắn hạn là cần thiết bởi giá các thiết bị công nghệ đã giảm nhanh.
"Chắc chắn sẽ tiếp tục theo cơ chế giá cố định (FIT) cho hệ thống này và hoàn thành dự thảo trong quý I, tuy nhiên, có thể thấp hơn giai đoạn trước", đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định.
Ngoài ra, cũng theo thông tin từ đại diện Bộ Công Thương, cơ chế giá cũng đang được nghiên cứu, phân tích với một số phương án mới như: Tính toán giá bán ĐMT mái nhà cố định phân chia theo vùng bức xạ, phân chia theo khu vực phụ tải và phân chia theo quy mô công suất, có thể là các mức bé hơn 15 kWp, 100 kWp, 1,25 MWp.
Về giới hạn công suất ĐMT mái nhà, cũng đang được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu 2 khả năng. Cụ thể, khả năng thứ nhất là nâng lên đến 3 MW hoặc là giảm từ 1 MW xuống mức thấp hơn.
Ngoài ra, cơ chế giá mới cũng hướng đến phương án khuyến khích đối tượng khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà để tự dùng là chính...
Đối với các dự án ĐMT mặt đất nối lưới, Cục Điện lực và Năng lượng cũng cho biết thêm, sẽ có cơ chế đấu thầu/đấu giá trong năm nay. Tuy nhiên, thời gian áp dụng chính thức vẫn còn đang bỏ ngỏ. Nguyên nhân là do hiện tại, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến từ các Bộ ngành để hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.