Giá gạo duy trì mức cao, Việt Nam gặp cơ hội "kép"

10/08/2023 17:23 GMT+7
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành nông nghiệp vừa công bố, Chứng khoán VCBS kỳ vọng sắp tới sẽ là một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo nhờ nguồn cung gạo của các quốc gia dần thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ sang.

Nguồn cung gạo trên thế giới dần thu hẹp

Tình hình thời tiết năm nay cho thấy, hiện tượng El Nino khiến mưa đến muộn và kết thúc sớm ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông sản tại nhiều quốc gia. Tại Ấn Độ, tính tới thời điểm tuần đầu tiên của tháng 6/2023, lượng mưa chỉ ghi nhận 9,9 mm, thấp hơn 57% so với mức trung bình hằng năm.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, diện tích gieo cấy tại Ấn Độ sẽ giảm khoảng 700,000 ha do hạn hán, khiến sản lượng của vụ gieo trồng Kharif (Hè Thu), vốn chiếm 80% sản lượng nước này, ước đạt 107,2 triệu tấn cho niên vụ 2022 - 2023, giảm khoảng 4,1% so với niên vụ 2021 - 2022 ở mức 111,76 triệu tấn. 

Hạn hán kéo dài tại Trung Quốc trong năm 2022, khiến sản lượng niên vụ 2021/2022 của nước này giảm 2%. Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022 - 2023 để đảm bảo nhu cầu trong nước. 

Giá gạo duy trì mức cao, Việt Nam gặp cơ hội "kép" - Ảnh 1.

Dự báo sản lượng gạo tại các nước sản xuất chính. Nguồn: IGC.

Trong năm 2022, tồn kho gạo tại Phillipine bị bào mòn do 139.000ha diện tích gieo trồng bị tàn phá bởi bão Noru. USDA dự báo, tiêu thụ gạo của nước này trong niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt khoảng 16,5 triệu tấn, trong khi năng lực sản xuất gạo nội địa chỉ vào khoảng 12,6 triệu tấn. Như vậy, Phillipine sẽ phải nhập khẩu thêm khoảng 3,9 triệu tấn/năm trong 2 năm tới. 

Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (KRC) của Thái Lan dự báo sản lượng gạo của Thái Lan trong vụ canh tác chính năm 2023 có thể giảm khoảng 6% về mức 25,2-25,6 triệu tấn dưới tác động của El Nino khiến lượng mưa của Thái Lan giảm 10% so với trung bình hằng năm, hạn hán có thể kéo dài trong 2 năm tới.

Trong khi đó, tình hình thủy văn của Việt Nam trong năm vừa qua khá ổn định với mưa nhiều và sẽ chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, USDA dự báo sản lượng gạo của Việt Nam sẽ tương đối ổn định.

Xuất khẩu gạo Việt Nam được hưởng lợi do sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ

Các chuyên gia VCBS đánh giá cao khả năng năm tới Việt Nam sẽ được hưởng lợi kép nhờ xu hướng giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ sang

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Việt Nam. Mưa lớn tại các tiểu bang sản xuất gạo chủ chốt ở Ấn Độ đã gây thiệt hại đáng kể cho vụ mưa vừa được gieo trồng.

Cụ thể, theo báo cáo gần đây của các cơ quan nông nghiệp địa phương, gần 250.000 ha cánh đồng lúa đã bị ngập lụt. Để đảm bảo an ninh lương thực và bình ổn giá gạo trong nước, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo không phải là Basmati vào ngày 20/7. Bên cạnh đó, vào ngày 17/7 vừa qua Nga đã ngừng ra hạn thỏa thuận "Ngũ cốc Biển Đen", khiến Ukraine khó có thể tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.

Những yếu tố nêu trên góp phần hỗ trợ cho giá ngũ cốc có khả năng tăng cao trong thời gian tới, đồng thời thiếu hụt nguồn cung từ các nước xuất khẩu gạo và ngũ cốc lớn trên thế giới sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu gạo.

Trên thực tế, giá gạo liên tục duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2023: Chỉ số giá các loại gạo FAO trong tháng 6/2023 đạt 126,2 điểm (tăng 6% so với đầu năm 2023 và 14% so với cùng kỳ), đây cũng là một trong những mức giá cao nhất kể từ hồi tháng 10/2022.

Giá gạo duy trì mức cao, Việt Nam gặp cơ hội "kép" - Ảnh 2.

Chỉ số giá các loại gạo FAO năm 2023. Nguồn: FAO.

Tại thời điểm tháng 6/2023, giá xuất khẩu gạo tấm 5% của Việt Nam tiếp tục đà tăng khoảng 3% so với tháng 6/2022 và 24% so với năm 2022, đạt mức 515 USD/MT.

Việt Nam được hưởng lợi khi chính phủ Ấn Độ tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với các loại gạo khác (trừ gạo basmati, giá gạo xuất khẩu tăng khiến gạo Ấn Độ kém cạnh tranh hơn các loại gạo khác.

Trung Quốc đã giảm 75,8% gạo nhập khẩu từ Ấn Độ, trong khi nhập khẩu gạo từ Việt Nam tăng mạnh 93,2% về lượng và 116% về trị giá so với năm ngoái. Bên cạnh đó, lo ngại thời tiết El Nino khô hạn, khiến các nhà nhập khẩu tích cực mua vào để dự trữ trong khi nguồn cung từ một số nước xuất khẩu lớn (trong đó có Việt Nam) đang dần cạn kiệt, cũng là nguyên nhân khiến giá gạo leo thang.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngoại giao và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo; nâng cao năng lực tổ chức của các Hợp tác xã, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo.

Đẩy mạnh đàm phán song phương, đa phương để ký kết các Hiệp định, thỏa thuận về sự phù hợp, công nhận lẫn nhau về kiểm dịch, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm với các thị trường trọng điểm nhằm tận dụng cơ hội mở cửa thị trường, chiếm lĩnh thị trường.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục