Giá gạo xuất khẩu tăng, nhiều triển vọng trong vụ thu hoạch mới
Kim ngạch xuất khẩu gạo dự kiến đạt đỉnh 10 năm...
Giá lúa gạo hôm nay 1/1 tại Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì xu hướng cao. Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu liên tục điều chỉnh tăng.
Hiện lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.800 – 6.900 đồng/kg; OM 5451 6.700 – 6.800 đồng/kg; Đài thơm 8 6.900 – 7.100 đồng/kg; nàng hoa 9 6.900 – 7.200 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp tươi An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 7.000 – 7.200 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.850 – 8.000 đồng/kg;
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.200 – 9.300 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.000 – 10.100 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm cũng có xu hướng đi ngang. Hiện giá tấm ở mức 9.300 đồng/kg; cám khô ở mức 8.100 – 8.200 đồng/kg.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Theo các thương lái hôm nay lượng gạo nguyên liệu về ít, các kho nghỉ Tết sớm. Nguồn lúa Thu Đông ít, giá lúa bình ổn. Giao dịch gạo chậm, giá gạo các loại bình ổn. Một số khu vực đang bước vào thu hoạch sớm vụ Đông Xuân, nhu cầu từ phía các kho gạo chợ chậm. Giá gạo tại Việt Nam đạt mức cao nhất trong hơn 5 tháng.
Trên thị trường xuất khẩu giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao. Hiện giá gạo tấm 5% tấm đang ở mức 458 USD/tấn; gạo 25% tấm duy trì ở mức 438 USD/tấn. Cùng với gạo Việt Nam, giá gạo Pakistan điều chỉnh tăng mạnh 15 – 20 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường gần đây tiếp tục tăng. Một số doanh nghiệp đánh giá, chưa năm nào giá gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Âu có giá trên 1.000 USD/tấn như năm 2022 vừa qua.
Không chỉ tăng cả sản lượng và giá trị, hạt gạo Việt ngày càng chiếm lĩnh đa dạng thị trường. Trong đó, các thị trường "khó tính" khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tăng 85%, thị trường EU tăng 82%.
Thị trường lúa gạo thế giới liên tục tăng giá hằng tuần trong tháng 12. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan đang ở cùng mức 458 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2021 đến nay và tăng khoảng 5 USD so với tuần trước. Trong khi đó, giá gạo của Pakistan cũng khoảng 448 USD/tấn. Gạo Ấn Độ thấp nhất với 388 USD/tấn.
Giá lúa gạo tăng do nhu cầu cao từ những nước nhập khẩu. Mới đây, Philippines, khách hàng nhập gạo số một của Việt Nam, quyết định không tăng thuế nhập khẩu đối với gạo, nhằm kiềm chế lạm phát trong nước. Trước đó, Indonesia và Bangladesh cũng công bố các kế hoạch nhập khẩu gạo phục vụ nhu cầu trong nước. Những yếu tố này đã giúp thị trường gạo thế giới tăng giá liên tục trong tháng cuối cùng của năm 2022.
Ước tính cả năm 2022, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn với trị giá ước khoảng 3,5 tỷ USD, dự kiến đạt đỉnh 10 năm. Trong khi đó số liệu của Thái Lan cho thấy lượng gạo xuất khẩu của nước này đạt 8 triệu tấn, đứng thứ 2 về số lượng gạo xuất khẩu sau Ấn Độ.
Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi trong năm 2023
Dự báo, xuất khẩu gạo đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng. Nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc - nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt.
Bên cạnh đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20% cùng tình hình khan hiếm lương thực trên thế giới thì đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, năm 2022 sản lượng gạo xuất khẩu đạt 7,2 triệu tấn - cao nhất trong vài năm gần đây và vượt mục tiêu đề ra gần 1 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,49 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2013 trở lại đây.
Chuyên gia nông nghiệp nhận định, chất lượng và độ an toàn thực phẩm của gạo Việt Nam ngày được nâng cao nên được nhiều thị trường cao cấp trên thế giới lựa chọn. Các nước nhập khẩu gạo lớn như Trung Quốc, châu Phi, Philippines, Indonesia,... có nhu cầu lớn về gạo Việt Nam.
Để đón đầu cơ hội xuất khẩu gạo năm 2023, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỷ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp.
Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị, phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp đã hiểu được câu chuyện hướng đến thị trường cao hơn. Qua thông tin của doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang châu Âu, Nhật Bản... cho thấy, chúng ta xuất đi hàng hoá có chất lượng, tập trung vào yêu cầu của từng thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, gạo Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu hay Nhật Bản, dù ở giai đoạn này quy mô chưa lớn, nhưng rõ ràng đó là tín hiệu cho thấy một khi thay đổi được tư duy sẽ tạo ra giá trị gia tăng, dẫn dắt người trồng lúa làm theo tiêu chuẩn của thị trường.
Nói cách khác, doanh nghiệp dần từ bỏ tư duy mua bán buôn chuyến, mang tính chất thương vụ mà giờ mang tính định hình thị trường về mặt lâu dài.
Trước kia có đơn hàng doanh nghiệp mới bắt đầu thu mua lúa gạo. Bây giờ có rất nhiều doanh nghiệp như Lộc Trời, Trung An,... liên kết với người nông dân tạo thành vùng sản xuất lúa gạo lớn để dần ổn định nguồn nguyên liệu, đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Trong năm qua, ngành gạo đã đón nhiều tin vui khi các sản phẩm của Việt Nam chính thức khai thông các thị trường khó tính.
Đơn cử Tập đoàn Lộc Trời đã thành công đưa gạo mang thương hiệu Việt vào các hệ thống siêu thị ở Pháp, với sự kiện ra mắt gạo Jasmin được bán trên toàn hệ thống của E.Leclers.
Hay Nhật Bản, một thị trường khó tính với hệ thống tiêu chuẩn khắt khe, cũng đón nhận gạo Việt từ Tập đoàn Tân Long. Đầu tháng 7/2022, lần đầu tiên, gạo ST25 Việt Nam mang thương hiệu A An, do Công ty Suntomi International nhập khẩu và Công ty Spice House phân phối đã được bày bán chính thức tại các siêu thị, cửa hàng tại Nhật Bản.
Như vậy, sau nhiều năm phải đóng gói dưới tên tuổi của nhà nhập khẩu nước ngoài, giờ đây gạo Việt Nam đã có cơ hội được nhận diện và xây dựng tên tuổi tại các thị trường xuất khẩu.