Giá heo hơi ngày 15/5: Hàng trăm con heo giống từ Thái Lan đã về Việt Nam
Giá heo hơi tại miền Bắc: Bỏ xa mức yêu cầu của cơ quan hữu trách
Giá heo hơi hôm nay 15/5 tại miền Bắc vẫn duy trì mức cao nhất cả nước. Tại Hà Nam giá heo hơi thương lái giao đến tay tiểu thương có giá là 96.000 đồng/kg với heo đẹp.
Một loạt các địa phương có giá heo đạt 95.000 đồng/kg gồm Bắc Giang, Thái Bình,Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Tại Hà Nội, giá heo hơi hôm nay tăng lên mức 92.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại Nam Định cũng theo đà tăng lên 92.000 đồng/kg.
Như vậy, sau điều chỉnh giá hôm nay, giá heo hơi nhấp nhất vùng cũng đạt 92.000 đồng/kg, bỏ xa mức yêu cầu của các cơ quan chuyên trách là dưới 70.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Trung, Tây Nguyên: Ổn định
Giá heo hơi tại miền Trung không có nhiều biến động so với 3 phiên gần đây, mức giá trung bình đạt từ 87.000 - 92.000 đồng/kg. Quảng Nam có giá heo hơi cao nhất vùng đạt 92.000 đồng/kg. Tiếp đó là Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi có giá heo hơi đạt từ 88.000 - 90.000 đồng/kg. Còn Bình Định và Đắk Lắk, giá heo vẫn ở mức thấp nhất vùng là 85.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam: Cao nhất vùng đạt 95.000 đồng/kg
Giá heo hơi tại Đồng Nai vẫn neo cao nhât vùng, mức dao động từ 94.000- 96.000 đồng/kg. Các địa phương ở miền Đông như Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, Tây Ninh, TP HCM,… giá heo hơi hôm nay đạt từ 90.000 - 91.000 đồng/kg. Tại Vũng Tàu, giá heo hơi cao hơn một chút, đạt 92.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại các tỉnh miền Tây dao động trong khoảng 90.000 - 91.000 đồng/kg.
Nhập heo giống từ Thái Lan
Trước đó, ngày 13/5, Bộ NN&PTNT cho biết lô heo bố mẹ đầu tiên được nhập khẩu từ Thái Lan đã về đến Việt Nam. Đây là lô heo đầu tiên trong tổng số 20.000 heo nái và 200 heo đực giống được nhập từ Thái Lan về để nhân giống, phục vụ tăng đàn, tái đàn.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y vùng III, sau khi thông quan, số heo bố mẹ này đã được cơ quan kiểm dịch thú y kiểm tra hồ sơ khai báo tình trạng sức khỏe. Bước đầu, không phát hiện triệu chứng lâm sàng các dịch bệnh truyền nhiễm trên heo.
Sau đó, số heo này tiếp tục được vận chuyển vào khu cách li để theo dõi trong thời gian tối đa 45 ngày. Trong quá trình này, đàn heo vẫn tiếp tục được lấy mẫu giám sát về các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi.
Khi đàn heo này đảm bảo các yêu cầu về an toàn dịch bệnh thì mới được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu để cơ sở tiếp nhận chăn nuôi nhân giống phục vụ tăng đàn, tái đàn.
Theo số liệu đăng ký, năm 2020, các DN sẽ nhập thêm 12.000 con heo giống. Tính đến ngày 18/4, số lượng nhập khẩu heo giống gốc là hơn 3.000 con, tăng 21% so với năm 2019.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá việc nhập khẩu heo giống về trước hết để đáp ứng cung cầu về giống và bình ổn giá thịt heo.
"Khi đàn nái bố mẹ nhập về, sản xuất ra con giống sẽ từng bước đáp ứng nhu cầu giống đang thiếu hụt, qua đó giảm giá bán heo giống để tăng quy mô đàn heo giống và heo thịt, từng bước đáp ứng nhu cầu thịt heo trong hai quý cuối năm nay" - ông Tiến nói.