Giá lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi chờ tín hiệu thị trường mới

04/10/2022 17:38 GMT+7
Giá lợn hơi có dấu hiệu tăng mạnh trở lại ở một số địa phương, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Người chăn nuôi đang đón chờ 1 sự biến chuyển mới tốt hơn cho giá lợn cuối năm...

Giá lợn hơi hôm nay 4/10: Ghi nhận mức tăng cao nhất 3.000 đồng/kg 

Giá lợn hơi hôm nay 04/10/2022, thị trường giữ giá ổn định sau khi đã tăng lên vài giá vài ngày qua, giá lợn hôm nay ghi nhận mức tăng cao nhất ở phía Bắc. Người chăn nuôi đang đón chờ 1 sự biến chuyển mới của thị trường tốt hơn.

Ngày 4/10 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam ổn định. Giá lợn hơi Công ty chăn nuôi C.P miền Bắc điều chỉnh tăng 1.000-2.000 đồng/kg từ hôm trước, mang lại tín hiệu tốt để chặn đứng đà giảm. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 63.000 đồng/kg; tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 61.000 đồng/kg. Giá lợn hơi Trung Quốc hôm nay tăng mạnh, đứng ở mức 84.600 đồng/kg so với mức 81.900 đồng/kg cuối tuần trước.

Giá lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi chờ tín hiệu thị trường mới - Ảnh 1.

Người chăn nuôi đang đón chờ 1 sự biến chuyển mới của thị trường tốt hơn.

Giá lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi chờ tín hiệu thị trường mới - Ảnh 2.

Nguồn: ANOVA FEED

Trước đó, sáng nay, giá lợn hơi ghi nhận tăng ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước, trong đó, ghi nhận mức tăng cao nhất 3.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay tăng từ 1.000 - 3000 đồng/kg ở nhiều nơi và dao động trong khoảng 59.000 - 64.000 đồng/kg. Cùng tăng 3.000 đồng/kg, giá lợn hơi hôm nay tại Bắc Giang, Hưng Yên lần lượt ở mức 63.000 đồng/kg và 64.000 đồng/kg. Ghi nhận mức tăng 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi hôm nay tại Hà Nội, Lào Cai lần lượt ở mức 62.000 đồng/kg và 59.000 đồng/kg. Còn tại Thái Bình, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi ở mức 63.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong khi đó, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình và Tuyên Quang chững lại ở mốc 60.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi biến động tăng nhẹ và dao động trong khoảng 56.000 - 61.000 đồng/kg. Theo đó, tại Quảng Nam, giá lợn hơi tăng 1.000 đồng/kg trong hôm nay, thu mua với giá 61.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi. Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định và Khánh Hòa đang đứng ở mức 60.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực đang là 56.000 đồng/kg, ghi nhận tại tỉnh Đắk Lắk.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg ở một vài nơi và dao động trong khoảng 53.000 - 61.000 đồng/kg. Trong đó, cùng tăng 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi hôm nay tại tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau lần lượt đứng ở mức đồng/kg lên khoảng 54.000 đồng/kg, 55.000 đồng/kg và 58.000 đồng/kg. Còn tại Kiên Giang, sau khi tăng 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi ở mức 53.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, Long An tiếp tục thu mua với giá 61.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.

Diễn biến mới nhất cho biết, Trung Quốc tiếp tục xuất kho dự trữ thịt lợn để bình ổn giá lợn của nước này đang tăng cao.

Tờ Nhân dân nhật báo đưa tin Trung Quốc xuất thịt lợn từ kho dự trữ của Chính phủ ra thị trưởng ngày 30/9 để duy trì nguồn cung và ổn định giá.

Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đã xuất kho dự trữ thịt lợn quốc gia 3 lần trong tháng 9 này và yêu cầu tăng lượng giết mổ lợn để kiểm soát giá. Tuy nhiên giá mặt hàng này tiếp tục tăng và dự kiến nhu cầu có thể tăng mạnh trong dịp Quốc khánh vào đầu tháng 10, khiến các cơ quan chức năng phải có biện pháp ứng phó.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) về thị trường Trung Quốc, sản lượng lợn năm 2023 của nước này dự kiến đạt 675 triệu con. Sự sụt giảm của giá lợn và thịt lợn trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022 đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi lớn có vốn đầu tư đáng kể. 

Tuy nhiên, các nhà sản xuất lớn vẫn duy trì sản lượng ngay cả khi lỗ ngày càng gia tăng, dự kiến Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu sản xuất thịt lợn vào năm 2023 để duy trì thị phần. Các nhà sản xuất quy mô nhỏ dự kiến sẽ mở rộng sản xuất vào năm 2023 với giá lợn hơi và thịt lợn ổn định.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 8/2022, Trung Quốc nhập khẩu 140 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), với trị giá 318,57 triệu USD, tăng 16,7% về lượng và tăng 22,2% về trị giá so với tháng 7/2022; Tuy nhiên so với 8/2021 giảm 50% về lượng và giảm 58,1% về trị giá. 

Tính chung 8 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,07 triệu tấn thịt lợn, trị giá 2,19 tỷ USD, giảm 63,5% về lượng và giảm 73,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Brazil, Đan Mạch, Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada. 

Trong đó, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc trong 8 tháng năm 2022, chiếm 29,3% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, với 643,43 triệu USD, giảm 75,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng vọt kể từ cuối tháng 8/2022 đến nay, khiến chính quyền Trung Quốc phải mở kho dự trữ quốc gia để đưa thịt đông lạnh vào thị trường để đảm bảo nguồn cung cho những ngày lễ. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh thịt lợn tại Trung Quốc cảnh báo rằng việc xả kho lạnh cũng không giúp nhiều cho việc hạ nhiệt đà tăng giá thịt lợn. 

Ngày 23/9/2022 nước này đã đưa ra thị trường 14.400 tấn thịt lợn đông lạnh từ kho dự trữ để bình ổn giá mặt hàng này trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh ngày 10/10/2022. Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 16/9/2022 cho biết, trong tháng 9/2022 Trung Quốc đã đưa ra thị trường khoảng 200.000 tấn thịt lợn từ kho dự trữ để duy trì nguồn cung và ổn định giá. 

NDRC cho biết Trung Quốc có đủ dự trữ thịt lợn để đáp ứng nhu cầu trên thị trường và sẽ xả kho dự trữ từng đợt cũng như sẽ tăng số lượng xả kho nếu cần thiết. Thịt lợn là một mặt hàng chủ lực ở Trung Quốc và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các loại thực phẩm được sử dụng để đánh giá chỉ số giá tiêu dùng của nước này.

Đàn lợn cả nước phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát

Trong nước, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9/2022, đàn lợn cả nước phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm nên đã gây áp lực lớn cho người chăn nuôi.

Giá lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi chờ tín hiệu thị trường mới - Ảnh 3.

Được biết, với thị trường thịt lợn trong nước, để cân đối cung cầu, từ nay đến cuối năm, cả nước phải đạt sản lượng thịt các loại khoảng 7 triệu tấn, tăng 4% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi phải đạt trên 4,2 triệu tấn; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn.

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 9 năm 2022 (là 24,73 triệu con) tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 3232,7 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước phát sinh 08 ổ dịch tại 06 huyện của 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Đồng Nai và Đồng Tháp; số gia súc mắc bệnh là 87 con, số gia súc tiêu hủy là 01 con. Trong tháng 9, cả nước không phát sinh ổ dịch lở mồm long móng. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước phát sinh 01 ổ dịch Tai xanh tại tỉnh 1 Thái Nguyên. Số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 30 con.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước phát sinh 1.074 ổ dịch tại 50 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 48.501 con lợn. Trong tháng 9, cả nước phát sinh 27 ổ dịch tại 24 huyện của 15 tỉnh. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 649 con. Hiện nay, cả nước có 74 ổ dịch tại 47 huyện của 20 tỉnh chưa qua 21 ngày; tổng lợn mắc bệnh là 3.882 con, tổng lợn chết và tiêu hủy là 3.858 con.

Trong tháng 9/2022, giá lợn hơi nội địa cũng biến động giảm tại tất cả các khu vực trên cả nước. Giá lợn hơi trên cả nước dao động trong khoảng 54.000-69.000 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng/kg so với cuối tháng 8/2022. 

Trong những ngày gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm mạnh, hiện dao động khoảng 54.000-62.000 đồng/kg, và mới chỉ nhích tăng trở lại trong vài ngày gần đây. Dự báo trong thời gian tới, giá lợn hơi sẽ dao động quanh ngưỡng 55.000-65.000 đồng/ kg, vào thời điểm cuối năm giá lợn hơi có thể sẽ tăng trở lại do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng. 

Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và dịch Covid-19, ngành chăn nuôi cơ bản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi mức cao. 

Với những tín hiệu khả quan của việc phục hồi kinh tế nói chung, ngành chăn nuôi đang chờ đợi sự bứt phá cho những tháng cuối năm. Tổng đàn vật nuôi và sản lượng sản xuất tại các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi đang dần ổn định, đặc biệt là các doanh nghiệp chủ động được nguồn con giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học. Đàn trâu, bò cả nước phát triển ổn định, dịch viêm da nổi cục tiếp tục được kiểm soát. 

Tuy giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao nhưng nguồn cung thịt lợn trong nước dần khôi phục trở lại. Bên cạnh đó, lượng thịt lợn nhập khẩu giảm cũng là cơ hội cho nguồn cung trong nước tăng lên. Cùng với đó, người chăn nuôi tập trung tái đàn nên số lượng lợn tăng so với cùng kỳ năm trước. 

Theo cáo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý III/2022, sản lượng thịt lợn của cả nước ước đạt 1.132 nghìn tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021; Sản lượng thịt bò ước đạt 107 nghìn tấn, tăng 5,5%; Sản lượng thịt trâu ước đạt 26 nghìn tấn, tăng 1,6%; Sản lượng thịt gia cầm ước đạt 495 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2022, có 84 thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam, tăng 4 thị trường so với cùng kỳ năm 2021. Lượng và kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của Việt Nam từ một số thị trường chính giảm so với cùng kỳ năm 2021 như Achentina, Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan…

Achentina là thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022, đạt 1,09 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 29,9% tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của Việt Nam, giảm so với 34,4% của cùng kỳ năm ngoái. Dự báo kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ thị trường Achentina trong năm 2022 đạt 1,6 tỷ USD, giảm 3,6% so với năm 2021.

Brazil là thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu lớn thứ 2 cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022, đạt 766,7 triệu USD, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 21% tỷ trọng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của Việt Nam, tăng so với 11,7% của cùng kỳ năm 2021.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục