Giá nông sản giảm sâu, xuất khẩu lập tức “lao dốc”
Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT: Tính tới hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 53,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, xuất khẩu lâm sản và chăn nuôi đã tăng lần lượt 18% và 18%, còn nhóm nông sản chính và thủy sản đã giảm mạnh, đặc biệt là nông sản, giảm 7,2%
Bộ NN&PTNT đánh giá: Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, giá và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng như cà phê, gạo, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn, tôm, cá tra giảm sâu. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường giảm, đặc biệt thị trường Trung Quốc (ước giảm 8%), EU (ước giảm 6,5%).
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: "Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó, nguyên nhân khách quan như chiến tranh thương mại Mỹ Trung, tác động thương mại khu vực đến cả những câu chuyện các quốc gia nhập khẩu. Cụ thể, Trung Quốc đã siết chặt hàng rào kỹ thuật liên quan đến kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, có cả những vấn đề do nguyên nhân chủ quan của chúng ta làm chưa tốt. Ví dụ, công tác mở cửa thị trường mặc dù đã làm nhưng chưa đẩy nhanh được tốc độ nên các sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn trong đó có Trung Quốc còn chậm."
Với ngành thủy sản, mặc dù thời gian qua toàn ngành đã nỗ lực thực hiện các biện pháp để khắc phục các khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) nhưng tiến độ để giải quyết dứt điểm việc gỡ "thẻ vàng" của EC đối với đánh bắt hải sản Việt Nam còn chậm. Một số tỉnh chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát tại cảng cá và hệ thống giám sát tàu cá theo yêu cầu,…
Dự báo, trong thời gian tới, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Nhật Bản – Hàn Quốc leo thang. Xuất khẩu nông sản sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại (nhất là từ thị trường Trung Quốc).
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng chỉ rõ: Nguy cơ áp thuế và rào cản kỹ thuật khi xuất siêu vào Mỹ tăng cao; giá xuất khẩu một số nông sản chủ lực vẫn còn xu hướng giảm.
Với kết quả sản xuất ngành nông nghiệp 9 tháng qua cho thấy, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, toàn ngành cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phòng chống thiên tai, khống chế dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đảm bảo ổn định sản xuất nông, lâm, thủy sản; hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đảm bảo cân đối cung cầu trong những tháng cuối năm; đẩy mạnh xuất khẩu và tìm kiếm nhiều thị trường mới.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đồng hành nhằm cụ thể hóa việc mở cửa thị trường, gắn hiệp hội ngành hàng với các doanh nghiệp để từ đó tạo động lực tăng trưởng vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt là đối với các ngành hàng, sản phẩm mà chúng ta đang rất có tiềm năng như: trái cây (chanh leo, sầu riêng); chăn nuôi; thủy sản chế biến.