“Giải cứu” hồ tiêu khỏi cảnh bi đát: Khoanh nợ, sản xuất bền vững
Ngày 23/8, tại Đăk Nông, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu Hiệp định thương mại tự do. 300 đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung phân tích và đánh giá thực trạng, dự báo thị trường hồ tiêu; tìm cách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tín dụng, thị trường cũng như cơ hội và đề xuất các giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam.
Tỷ phú hồ tiêu cũng lâm nợ vì giá giảm sâu
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Báo cáo này cho thấy, chỉ trong vòng 17 năm (từ năm 2001-2018), hồ tiêu đã tăng từ 35,3 nghìn ha lên đến 149,8 nghìn ha, tăng hơn 400%, chiếm 40% sản lượng và gần 60% về thị trường xuất khẩu hồ tiêu thế giới.
Tuy nhiên, sau khi giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt kỷ lục vào năm 2016 với 1,422 tỷ USD, thì 3 năm gần đây (2017-2019), giá hồ tiêu trên thế giới sụt giảm liên tục. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung tăng từ 8-10% trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%.
Các đại biểu tham quan vườn tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ. (ảnh: Duy Hậu)
Tại Việt Nam, có những thời điểm giá hồ tiêu lên đến 250.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã giảm còn khoảng 45.000 - 46.000 đồng/kg. Tình trạng này đã khiến cho những hộ trồng tiêu trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn do bị lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư hồ tiêu.
Theo ông Đinh Xuân Thu - đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Đăk Song (Đăk Nông), thực tế hiện nay tại Đăk Song, nơi có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh, hàng ngày có hàng chục người đến tòa án để giải quyết nợ nần do cây tiêu gây ra. Tình trạng tiêu chết hàng loạt, giá cả lao dốc đã khiến không chỉ nông dân mà ngay những đại gia tiêu lớn nhất Việt Nam cũng lâm vào cảnh khốn cùng, nhà cửa phải cầm cố ở ngân hàng.
Theo Bộ NNPTNT, mặc dù ở vị trí số 1 nhưng sản xuất hồ tiêu tại Việt Nam còn nhiều bất ổn, chưa bền vững. Diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh ngay cả ở những vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong thời điểm giá tốt.
Bên cạnh đó, tình trạng dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm; công tác giống còn hạn chế, trong đó có việc nghiên cứu, chọn tạo giống mới, sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh, công tác bình tuyển và công nhận cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng chưa được các tỉnh quan tâm thực hiện; sản xuất GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa toàn diện. Việc tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu.
Đại điện Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế cũng cho biết, hồ tiêu Việt Nam có điểm yếu là tồn dư về thuốc bảo vệ thực vật, sự can thiệp của Chính phủ chưa đúng mức, chưa có chiến lược cho một ngành gia vị đơn lẻ, thiếu tính bền vững, thiếu minh bạch về dữ liệu, không tạo được giá trị gia tăng… Các điểm yếu trên khiến hồ tiêu Việt Nam đứng trước nguy cơ mất thị trường tại châu Âu.
Vườn tiêu hữu cơ của ông Đinh Xuân Thu (Đắk Song, Đắk Nông) mang lại giá trị kinh tế cao.
Phát triển bền vững phải nâng cao nhận thức
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng, muốn phát triển hồ tiêu bền vững thì trước mắt cần nâng cao chất lượng hồ tiêu Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tiếp đó, cần nâng cao nhận thức cho người dân, có chính sách tập huấn, trang bị kiến thức cho người dân. "Khi người dân chưa nâng cao được nhận thức thì chưa thể nói đến việc phát triển hồ tiêu bền vững"- ông Bính nhấn mạnh.
Ông Đinh Xuân Thu cho rằng, việc giảm diện tích hồ tiêu không phải là giải pháp tốt nhất, mà cần khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng bền vững. Phía ngân hàng cần có chính sách khoanh, giãn nợ cho người trồng tiêu.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, Việt Nam cần cố gắng ổn định diện tích hồ tiêu khoảng 100.000ha. Đối với những vườn hồ tiêu bị bệnh chết, không phù hợp cần kiên quyết chuyển đổi sang cây trồng khác.
Trong việc canh tác cần tăng cường đẩy mạnh sử dụng phân hữu cơ để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh chết nhanh, chết chậm xảy ra trên cây hồ tiêu. Hiện, nông dân Tây Nguyên đang tổ chức việc trồng xen mang lại nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, nông dân cần phải lựa chọn phương pháp canh tác phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần nâng cao vai trò của mình trong việc xây dựng việc phát triển theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến việc chế biến sâu sản phẩm hồ tiêu...