Giảm mạnh khi dòng vốn đầu cơ chuyển sang dầu và vàng, giá cà phê sẽ đi về đâu?
Cà phê bị cuốn theo 'cơn lốc' giảm giá
Giá cà phê trong nước hôm nay (1/3) giảm mạnh 1.000 đồng/kg, giá cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 40.000 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 39.400 đồng/kg.
Phiên giao dịch sáng nay, giá cà phê ở Lâm Đồng giảm 1.000 đồng/kg, tại Bảo Lộc, Lâm Hà, Di Linh giá cà phê dao động mức 39.400 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Lắk cũng giảm, cụ thể ở tại Cư M'gar ở mức 40,000 đồng/kg, tại Buôn Hồ giá cà phê ở ngưỡng 40,000 đồng/kg.
Giá cà phê tại Gia Lai cũng giảm mạnh sáng hôm nay, giá ở Pleiku và Ia Grai giao dịch quanh mức 39,900 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Nông dao động ở ngưỡng 39,900 đồng/kg. Giá cà phê tại Kon Tum cũng giảm.
Giá cà phê giao tại cảng TP.HCM xuống thấp, dao động ở ngưỡng 43.800 đồng/kg.
Khảo sát phiên giao dịch sáng ngày 1/3, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm mạnh 54 USD (2,35%), giao dịch tại 2.239 USD/tấn.
Thị trường cà phê New York, giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm xuống 5,75 Cent (2,41%), giao dịch tại 232,90 Cent/lb.
Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần (ngày 28/2), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 5/2022 cũng giảm rất mạnh, giảm tới 88 USD (4,04%), giao dịch tại 2.090 USD/tấn. Giá Robusta kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 86 USD (3,99%), giao dịch tại 2.071 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 5/2022 cũng giảm giá mạnh không kém, giảm 5,75 Cent (2,41%), giao dịch tại 232,9 Cent/lb. Trong khi, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 5,65 Cent (2,38%), giao dịch tại 231,55 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cũng tăng rất mạnh.
Cả tuần trước, giá cà phê Robusta có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, các mức giảm khá mạnh. Già cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 vì vậy giảm tất cả 77 USD (khoảng 3,41%), xuống 2.178 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica có 3 phiên giảm và 1 phiên tăng, các mức giảm khá mạnh. Vì thế, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 7,35 Cent (khoảng 2,99%), xuống 238,65 Cent/lb. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê sẽ đi về đâu?
Giá cà phê liên tục giảm mạnh khi xung đột Nga-Ukraine lan rộng, trong khi dòng vốn đầu cơ tiếp tục chuyển về sàn vàng và dầu thô với khả năng sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư hiện không rõ Nga và Ukraine có đạt được thỏa thuận đàm phán nào về điều kiện ngừng bắn. Tình hình càng thêm căng thẳng với làn sóng trừng phạt mới từ phương Tây. Ngân hàng Trung ương Nga (Gosbank) đã tăng lãi suất cơ bản đồng Rúp từ 9,5% lên 20%/năm. Đồng Rúp hiện đã giảm khoảng 30% so với USD, đạt mức thấp nhất mọi thời đại.
Ngoài xung đột Nga-Ukraine, tồn kho cà phê Robusta trên sàn London tăng trở lại sau chuỗi giảm rất dài cũng góp phần kéo giảm giá cà phê kỳ hạn như hiện nay. Nếu như lấy đỉnh giá cà phê của niên vụ 2021/2022 của sàn London là 2.384, thì đến nay sàn này giảm khoảng trên 200 USD/tấn. Triển vọng những chính sách tài chính vĩ mô trong tháng 3/2022 như nâng lãi suất cơ bản đồng USD, dòng vốn đầu tư bị thắt chặt là sự quan tâm hàng đầu của các giới đầu cơ trên hai sàn cà phê kỳ hạn.
Các chuyên gia cảnh báo, xung đột Nga-Ukraine, dịch vụ vận chuyển tàu biển khó khăn, giá dầu thô tăng mạnh, phân bón và lương thực cũng tăng giá... là những thách thức đối với người trồng và các nước sản xuất cà phê trong thời gian tới. Như vậy, về dài hạn, các nước trồng cà phê đều lo giá cà phê sẽ còn giảm giữa lúc chi phí đầu vào cho sản xuất tăng đối với nông dân.
Tổng cục Thống kê ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng 2 của ta đạt khoảng 130.000 tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu cà phê trong 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt tổng cộng 293.300 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1/2022 đạt 163,3 nghìn tấn, trị giá 370,57 triệu USD, giảm 3,6% về lượng và giảm 2,2% về trị giá so với tháng 12/2021, nhưng tăng 1,4% về lượng và tăng 32,1% về trị giá so với tháng 1/2021.
Trong tháng 1/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.269 USD/tấn, tăng 1,4% so với tháng 12/2021 và tăng 29,9% so với tháng 01/2021. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang một số thị trường chính tăng so với tháng 12/2021, gồm: Italy (tăng 7,8%); Nhật Bản (tăng 9,2%); Mỹ (tăng 10,4%); Philippines (tăng 5,4%); Hàn Quốc (tăng 0,4%). So với tháng 1/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang tất cả các thị trường chính đều tăng mạnh.
Đối với thị trường xuất khẩu, trong tháng 1/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng mạnh so với tháng 12/2021, gồm: Đức, Bỉ, Italy, Anh, Nga, Tây Ban Nha và Philippines. Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường giảm, như: Nhật Bản, Mỹ, Algeria, Malaysia và Trung Quốc. So với tháng 1/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Nhật Bản và Hàn Quốc.