Giám sát đặc biệt với các mặt hàng có nguy cơ giả mạo xuất xứ

10/07/2019 17:13 GMT+7
Một số ngành hàng có tăng trưởng xuất khẩu cao đột biến sẽ được Bộ Công Thương giám sát đặc biệt, nhằm chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại.

Điện tử, da giày, đồ gỗ, thép đưa vào diện giám sát đặc biệt

Thời gian gần đây, một số ngành hàng như: dệt may, điện tử, da giày, đồ gỗ, thép,...có tăng trưởng xuất khẩu cao đột biến. Điều này dấy lên nỗi lo về việc ngày càng có nhiều mặt hàng nhập khẩu từ nước khác trà trộn vào hàng Việt để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang các nước khác.

Nhiều mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu cao kéo theo mối nguy hại tiềm tàng từ việc lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Về vấn đề này, theo bà Lê Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, thời gian gần đây, một số mặt hàng từ Trung Quốc về Việt Nam tăng rất cao như: máy móc, điện tử, phụ liệu dệt may, đặc biệt là gỗ tăng đột biến. Trong khi đó, việc xuất khẩu các mặt hàng này sang các thị trường lớn trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Phi chưa tăng trưởng tương ứng.

Tại cuộc họp triển khai Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, những mặt hàng này sẽ được cho vào diện cần được quan tâm đặc biệt để tránh nguy cơ bị chế tài trừng phạt thương mại hoặc áp đặt thuế quan.

Đồng thời, Bộ Trưởng cũng nêu ra một số dẫn chứng về trường hợp Mỹ vừa đánh thuế bổ sung hơn 400% với thép từ Việt Nam có nguồn gốc nhập từ Hàn Quốc và Đài Loan, hay câu chuyện của tôm nhập nguyên liệu từ các nước Nam Á.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho hay, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có một số FTA thế hệ mới đã giúp doanh nghiệp nội có lợi thế rất cao về ưu đãi thuế quan, tiếp cận thị trường sớm. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ hàng hóa bên ngoài truyền tải vào Việt Nam, lợi dụng xuất xứ hàng Việt để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất đi các thị trường mà chúng ta có ký FTA.

Cần có cơ chế cảnh báo phòng vệ thương mại để ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa

Theo bà Lê Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, cần theo dõi kỹ các mặt hàng để tránh nguy cơ nhập vào Việt Nam rồi xuất đi, nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như hưởng lợi xuất xứ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cũng cho rằng cần phải lưu tâm xem có thật là hàng Việt Nam hay có cả gian lận, lẩn tránh.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cần phải xác định ngay các nhóm mặt hàng tăng trưởng nóng vào các thị trường trọng điểm để có cơ chế giám sát đặc biệt, nhằm chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại có hiệu quả như thị trường châu Âu, Mỹ, Canada, với sản phẩm gỗ, giày dép, thép, máy móc phụ tùng và các sản phẩm có nguy cơ giả mạo xuất xứ như nông thủy sản...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Phòng vệ thương mại xây dựng ngay kế hoạch phối hợp với các bộ có nhiệm vụ trực tiếp như Tài chính, Công an, Khoa học – Công nghệ, Kế hoạch – Đầu tư và Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam,.. thống nhất cơ chế tập trung dữ liệu thông tin để chia sẻ các vấn đề liên quan đến chứng nhận xuất xứ, chống chuyển tải hàng hóa, lẩn tránh thương mại,...

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu thông tin sớm đến các hiệp hội doanh nghiệp về các mặt hàng cần giám sát, các thị trường nóng để các bên cùng có trách nhiệm, phối hợp hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng giao cho Cục Phòng vệ thương mại xây dựng kế hoạch hành động nhằm thực hiện Đề án mà Thủ tướng vừa ký xong trước ngày 20/7; xây dựng quy chế hoạt động, đề xuất bổ sung hình phạt, chế tài xử lý gian lận thương mại,...

Trước đó, theo đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” của Thủ tướng ban hành, mục tiêu đề án được đưa ra nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thượng mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Thu Trà
Cùng chuyên mục