Giãn dân phố cổ ì ạch suốt 20 năm
Chạy đua với thời gian
Theo như kế hoạch đề ra, 6.500 hộ dân với khoảng 27.000 người sẽ được di dời cho tới năm 2020. Đề án giãn dân phố cổ là giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha.
Một góc khu phố cổ Hà Nội
Giai đoạn 1 triển khai di dời 1.530 hộ dân bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016. Số dân được di dời sẽ được chuyển tới khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên rộng hơn 11ha. Giai đoạn 2 sẽ thực hiện di dời 5.000 hộ dân ngay sau khi giai đoạn 1 kết thúc và được triển khai trong các khu đô thị khác do thành phố bố trí sắp đặt.
Tổng vốn dự kiến là 3.964 tỷ đồng, vốn ngân sách là 166,3 tỷ đồng, số căn hộ để bố trí cho các hộ dân phố cổ khoảng 1.800 căn. Ở giai đoạn này các hộ dân thuộc đối tượng di chuyển là: Sống trong các di tích (562 hộ), sống trong các công sở (148 hộ) và trường học (39 hộ); dân sống trong các nhà và chung cư xuống cấp nguy hiểm, các ngôi nhà có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, các nhà do nhà nước quản lý có mật độ quá cao và các hộ dân tự nguyện di chuyển (781 hộ).
Dự án giãn dân phố cổ được triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các di tích và công trình kiến trúc cổ có giá trị; phát triển đô thị bền vững; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển trong đó có dịch vụ du lịch.
Năm 2002, Hà Nội đã lên kế hoạch khởi công xây dựng dự án nhà ở giãn dân phố cổ tại KĐT Việt Hưng như trong giai đoạn 1 đã đề ra. Thế nhưng, đến năm 2013 việc di dời còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Số nhân khẩu được di dời là 7.000 tương đương khoảng 1.500 hộ.
Hà Nội đã giao cho quận Hoàn Kiếm phối hợp với các bên liên quan lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ, dự kiến thực hiện trrong quý IV/2019.
Các phường đã được UBND quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý phố cổ rà soát, phân loại các trường hợp giãn dân nhằm lấy cơ sở xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc.
Về vấn đề dự án chậm triển khai, HĐND TP cho biết, dự án dự án tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu phố cổ bao gồm nhiều trường hợp chính sách khác nhau nên việc đưa ra các cơ chế còn chưa thống nhất. Đồng thời, dự án xây dựng nhà ở giãn dân chưa có số liệu diện tích, giá bán; chưa có cơ chế quy đổi phù hợp để thông báo tới các hộ dân.
“Tấc đất, tấc vàng” nhưng đầy hiểm họa
Khu phố cổ Hà Nội có diện tích 81ha với 6,6 vạn dân, nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm. Nơi đây là mảnh đất sinh sống của nhiều thế hệ gia đình, chỉ nửa mét vỉa hè, vài chiếc ghế con, dăm ba chén trà đá là có thể tạo ra nguồn thu nhập nuôi sống cả một gia đình. Đó cũng chính là lý do vì sao người dân ở đây quyết bám trụ ở những ngôi nhà đang xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ sập đổ, hỏa hoạn luôn ở mức báo động.
Những con ngõ nhỏ chỉ đủ dắt 1 chiếc xe
Ngõ trên phố cổ tối như đường hầm
Phố cổ vẫn được được mệnh danh là nơi sầm uất, hào nhoáng, tập nập kẻ bán người mua nhưng có những căn nhà chật chội cũng chỉ vỏn vẹn 10m2. Những con ngõ nhỏ như căn hầm tối với kích thước chỉ khoảng 50 – 60 cm những vẫn là nơi đi lại hàng ngày của 7 – 8 hộ gia đình.
Khu phổ cổ có nhiều ngôi nhà đã được xây dựng từ những năm 1954 trở về trước, nhiều vết hoen ố đã tồn tại hàng chục năm trên tường, sự trùng tu, sửa chữa cũng chỉ mang tính chất chắp vá một cách qua loa.
Mới đây, ngày 2/7, một phần căn nhà số 56 phố Hàng Bông, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm đổ sập đột ngột đã khiến một người bị mắc kẹt đang dấy lên lo ngại về chất lượng nhà ở tại những ngôi nhà trên phố cổ. Đặc biệt, khi mùa mưa bão đang đến gần, đây có thể coi là một “quả bom nổ chậm” đe dọa đến cuộc sống của người dân.
Một phần căn nhà số 56 phố Hàng Bông, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm đổ sập