Giữa bão giá vật liệu xây dựng, FECON (FCN) trình mục tiêu lợi nhuận năm 2022 "khủng" tăng trưởng 296%

10/04/2022 07:39 GMT+7
Năm 2022, HĐQT FECON đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 280 tỷ đồng, tăng 296%.

Công ty CP FECON (Mã: FCN) vừa có báo cáo trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) kết quả kinh doanh năm 2021 và kế hoạch kinh doanh năm 2022. Dự kiến ĐHĐCĐ của Fecon sẽ được tổ chức vào ngày 28/4 và chốt quyền tham dự chậm nhất là ngày 26/4.

Năm 2022, HĐQT FECON đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 280 tỷ đồng, tăng 296%.

Về phía Công ty mẹ, FECON dự kiến doanh thu đạt 3.080 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và 67%.

FECON (Mã: FCN) táo bạo đặt mục tiêu "khủng" tăng trưởng 296% năm 2022 - Ảnh 1.

Báo cáo của FECON cho thấy, kết thúc năm 2021, vốn điều lệ của FECON là 1.574 tỷ đồng; Tổng tài sản là 7.496 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất trong năm 2021 là 3.484 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2020.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 71 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch năm 2021. Trong đó, doanh thu công ty mẹ tăng trưởng ghi nhận 2.418 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch năm 2021.

Cũng theo báo cáo của FECON, do chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và bão giá vật liệu xây dựng, nên hiệu quả các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn tới tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2021 chỉ đạt 13,5%, thấp hơn so với các năm trước.

FECON (Mã: FCN) táo bạo đặt mục tiêu "khủng" tăng trưởng 296% năm 2022 - Ảnh 2.

Báo cáo doanh thu của FECON.

Lý giải về việc kế hoạch năm 2021 của FECON không hoàn thành, được lãnh đạo FECON giải thích là do lợi nhuận từ mảng đầu tư bị giảm đi rất đáng kể, tất cả các kế hoạch thoái vốn dự án chưa thể hoàn thành để có thể đóng góp vào lợi nhuận chung của tập đoàn.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân do bão giá nguyên vật liệu xây dựng, giá thép, giá xi măng tăng cao. Nhiều dự án chậm triển khai như Dự án Nhiệt điện Nam Định, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2...

Đặc biệt là dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Metro Line 3) hầu như không triển khai trong năm 2021, bên cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công còn chậm ảnh hưởng lớn đến các dự án hạ tầng. Công tác thu hồi công nợ cũng bị ảnh hưởng, làm phát sinh chi phí tài chính và khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp.

Vùng với đó, một vài dự án công ty đứng tổng thầu trong năm chưa đạt hiệu quả kỳ vọng, do chưa khai thác được tối ưu các nguồn lực cả về thiết bị và con người trải dài 12 tháng, lúc cao điểm thì không đủ nguồn lực, lúc thấp điểm thì dư thừa, ảnh hưởng đến chi phí thi công dự án.

Trong năm 2021, FECON phát hành thành công 32 triệu cổ phiếu cho hai nhà đầu tư là Quỹ đầu tư hạ tầng Red One và Công ty CP Raito Kogyo, góp phần tăng vốn điều lệ của FECON từ 1.254 tỷ đồng lên 1.574 tỷ đồng. 

Raito Kogyo là nhà đầu tư cùng ngành sở hữu các công nghệ hàng đầu Nhật Bản về nền móng, công trình ngầm và hạ tầng. Red One sở hữu mạng lưới đối tác tài chính quốc tế hùng hậu.








Thế Anh
Cùng chuyên mục