Gỡ vướng đền bù dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành
Ảnh minh họa.
Chiều 16/5, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT về tiến độ dự án đường cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (Đồng Nai).
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đây là dự án giao thông trọng điểm nhưng hiện nay bị chậm tiến độ do bị vướng đền bù giải tỏa trên địa bàn TP HCM và tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, trên địa bàn TP HCM tại huyện Bình Chánh đã hoàn thành chi trả bàn giao 1.135/1.161 hộ (tương đương với 115/117ha) đạt 98%, hiện nay còn 26 hộ chưa bàn giao mặt bằng; tại huyện Nhà Bè đã bàn giao 100% mặt bằng. Tuy nhiên phần thu hồi đất bổ sung để di dời các trụ điện (110kV và 500kV) đến nay vẫn chưa thực hiện xong bản vẽ thu hồi đất.
Ông Trần Vĩnh Tuyến đã giao các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 6/2019, riêng bản vẽ thu hồi đất trên địa bàn Nhà Bè phải hoàn thành trong tháng 5 này.
Theo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), nếu TP HCM bàn giao mặt bằng sớm thì dự án có thể thông xe trước 20km đoạn cao tốc từ Bến Lức đến nút giao thông Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè) vào tháng 9; còn hơn 37km đến huyện Long Thành (Đồng Nai) dự kiến hoàn thành cuối năm 2020.
Trường hợp mặt bằng không được bàn giao cho các nhà thầu thi công trước ngày 1/6 thì dự án không thể hoàn thành toàn tuyến vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của Bộ GTVT.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,7km, vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD), được khởi công tháng 7/2014, đi qua các tỉnh Long An, TPHCM và Đồng Nai, dự kiến thông xe cuối năm 2018 song đã lùi tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2020. Dự án hiện đạt khoảng 70% khối lượng.
Liên quan đến việc tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi (Báo SGGP đã có vệt bài nêu quan điểm của các chuyên gia), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã có phương án tháo dỡ cầu. Tuy nhiên vừa qua trên các phương tiện truyền thông có nhiều ý kiến cho rằng nên bảo tồn cây cầu này vì có “tuổi thọ” trên 100 năm.
Qua xem xét các tài liệu, bộ không thấy cầu này nằm trong danh mục phải bảo tồn. Tuy nhiên, bộ muốn lắng nghe ý kiến của UBND TPHCM. Về việc này, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết, trong tuần sau sẽ có văn bản gửi Bộ GTVT.
Tuy nhiên quan điểm của TP, cầu sắt Bình Lợi đã quá xuống cấp, hơn nữa do cầu không nằm trong danh mục bảo tồn nên cần phải được tháo dỡ để đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại trên cầu cũng như dưới nước.