GoViet “vật lộn” trong kinh tế chia sẻ

23/01/2020 06:29 GMT+7
Từng tuyên bố sẽ là đối trọng với Grab tại Việt Nam, nhưng sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, GoViet chỉ đứng thứ 3 trong thị trường này.

Cùng với đó, là sự ra đi của những nhân sự cấp cao và sự chậm trễ triển khai các kế hoạch kinh doanh.

Tháng 8/2018, GoViet – cánh tay nối dài của startup kỳ lân GoJek - chính thức hoạt động tại Việt Nam. Thời điểm đó, GoJek tuyên bố sẽ đầu tư để GoViet có thể thành đơn vị gọi xe hàng đầu tại Việt Nam.

GoViet “vật lộn” trong kinh tế chia sẻ  - Ảnh 1.

Go-Việt hiện nay đang tối ưu hóa tận dụng lợi thế của kinh tế chia sẻ: cho phép khách hàng có thể đặt được nhiều loại hình dịch vụ một lúc.

Một năm buồn của GoViet

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường độc lập ABI Research, GoViet chỉ đứng thứ 3 trong thị trường gọi xe với 21 triệu chuyến xe hoàn thành, tương ứng 10% thị phần. Con số này thua xa 146 triệu cuốc xe (73%) của Grab, và thấp hơn so với “đàn em” be (31 triệu cuốc xe, 16%).

Trong mảng giao nhận đồ ăn, GoViet tự tin tuyên bố đang dẫn đầu trong lĩnh vực này với 70.000 nhà hàng và có hơn 1 triệu món ăn trên app GoViet. Mỗi ngày riêng GoFood tiếp nhận hàng trăm nghìn đơn hàng, tăng trưởng 25-35% mỗi tháng. Ứng dụng này cho biết cũng đã hoàn thành 100 triệu chuyến xe ở cả hai thành phố, với sự tăng trưởng hơn 400% số lượng đơn hàng. Tuy nhiên, con số này của GoViet có phần khó tin.

Hơn nữa, nếu so sánh với công ty mẹ là GoJek tại Indonesia, thì các dịch vụ của GoViet tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ mới đáp ứng được các dịch vụ ở mức cơ bản. Còn so với đối thủ Grab, GoViet rõ ràng yếu thế hơn rất nhiều, khi Grab đã mở rộng tới 8 dịch vụ, và cho phép người sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Lưu ý rằng, khi những chuyến xe đầu tiên của GoViet lăn bánh, cựu CEO GoViet lúc đó là ông Nguyễn Vũ Đức khẳng định các mảng quan trọng mà hãng nhắm đến là giao nhận thức ăn, ví điện tử và ô tô. Tuy nhiên, đến tháng 3/2019, ông Đức đã phải rời ghế Giám đốc điều hành (CEO) của GoViet. Hệ sinh thái của ứng dụng này cũng mới có thêm được dịch vụ giao nhận thức ăn. Cùng thời điểm này, một nhân sự cấp cao khác của hãng là bà Linh Nguyễn – Phó Tổng Giám đốc cũng xin thôi việc.

Sau ông Đức, “cô gái vàng” Lê Diệp Kiều Trang tiếp nhận chiếc ghế nóng của GoViet. Bà Trang về với hi vọng sẽ đẩy nhanh việc đưa các mảng chiến lược của GoViet đến với khách hàng. Sau 6 tháng, cựu CEO Facebook Việt Nam cũng ngậm ngùi rời GoViet mà không có tiến triển gì hơn.

Những biến động về nhân sự cấp cao của GoViet cũng tầm nào đó cho thấy sự bối rối từ phía công ty mẹ là GoJek: đổi tướng để xoay chuyển cục diện có phần trì trệ hiện tại. Trong tương lai, người có thể ngồi vững được trên chiếc ghế này phải đảm bảo làm được 3 mục tiêu cùng lúc: giữ chân đối tác tài xế, hài lòng khách hàng và duy trì tăng trưởng. Vì vậy không phải tự nhiên mà vị trí CEO GoViet vẫn còn trống đến ngày hôm nay.

Ánh sáng nơi cuối con đường

Những khó khăn của GoViet đến từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên lớn nhất là hãng đã lao vào một cuộc chiến “đốt tiền” với các đối thủ hùng mạnh hơn mà không có biện pháp đột phá.

GoViet “vật lộn” trong kinh tế chia sẻ  - Ảnh 2.

Mảng giao nhận đồ ăn của Go-Việt đang dẫn đầu trong lĩnh vực này với 70.000 nhà hàng.

Thời điểm bắt đầu đặt chân tới Việt Nam, GoViet đi theo chiến lược giá cước rẻ,tỉlệ nhân giá giờ cao điểm thấp nên việc bù lỗ cho mỗi cuốc xe càng trở nên nặng nề. Vì thế, hành khách hiện tại không thể tìm được kiểu khuyến mại đồng giá 5.000 đồng cho mỗi cuốc xe như những ngày đầu GoViet tham chiến.

GoJek tuyên bố đã rót 100 triệu USD vào GoViet, nhưng không đề cập đến khoản tiền này đầu tư cụ thể vào những gì và hiệu quả như thế nào.

Tuy nhiên, Grab tuyên bố sẵn sàng đầu tư tới 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới. Mới đây, Grab đã mạnh tay tung khuyến mại đồng giá 9.000 đồng cho dịch vụ GrabCar khi người dùng di chuyển đến hoặc đi từ các quận trung tâm, hay thậm chí tung ra loạt gói ưu đãi đồng giá 9.000 đồng với các mã ưu đãi "như cho không". Đến lúc này, chiến lược "đốt tiền" giành thị phần của Grab đã chứng minh tính hiệu quả của nó. Rõ ràng, trên thị trường gọi xe, tiền không phải tất cả nhưng ít tiền thì thì vất vả, đặc biệt nếu đã ít tiền lại còn chậm chân.

GoViet cũng không phải không có lý do để tự tin đánh chiếm thị phần. Chí ít, ứng dụng của GoViet hiện nay đang tối ưu hóa tận dụng lợi thế của kinh tế chia sẻ: cho phép khách hàng có thể đặt được nhiều loại hình dịch vụ một lúc, và với một loại hình dịch vụ có thể đặt được cùng lúc nhiều đơn hàng - đây là một tính năng mà chưa hãng nào có, tạo điều kiện cho khách hàng có thể vừa gọi xe đi làm về vừa đặt đồ ăn mang về, đồng thời nhờ gửi đồ cho người thân, bạn bè.

Đồng thời, Việt Nam cũng đang có nhiều đề án tạo hành lang pháp lý thúc đẩy những mô hình kinh tế chia sẻ như GoViet thuận lợi phát triển.

Việc GoViet chậm mở rộng các mảng khác ngoài gọi xe cũng chưa rõ là “nguy” hay là “cơ”. Bởi đơn giản, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam hiện vẫn đang ở mức sơ khai, các chính sách pháp lý vẫn chưa hoàn thiện. Việc GoViet chậm mở rộng có thể là tránh được những vướng mắc về pháp lý như Uber, Grab đã mắc phải trong Nghị định về “taxi công nghệ”.


Bùi Phú/enternews
Cùng chuyên mục