Hà Nội đưa ra điều kiện để được xây chung cư: Chuyên gia chỉ ra vai trò quản lý cần đặt hàng đầu

08/09/2022 13:20 GMT+7
Việc xây chung cư ồ ạt, băm nát quy hoạch không chỉ làm khổ cư dân nội khu mà còn gây hậu quả ùn tắc giao thông cho cả thành phố. Do đó, UBND TP Hà Nội vừa đưa ra quy định hạn chế xây dựng các chung cư, cao ốc gây áp lực lên hạ tầng giao thông.

Hà Nội xây chung cư ồ ạt gây áp lực lên hạ tầng giao thông

Hiện tượng nhồi nhét, xây chung cư ồ ạt tại Hà Nội khiến mật độ dân cư khu vực tăng cao. Vấn đề này xảy ra liên tục tại Thủ đô Hà Nội đã gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới xã hội trong thời gian qua. Đơn cử, việc xây dựng ồ ạt chung cư cao tầng vào những khu đất "vàng" tại đường Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã kéo dài suốt nhiều năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Xuất phát từ mong muốn "an cư, lạc nghiệp", nhiều cư dân chung cư tại đây đã than thở về không gian sống ngột ngạt, thường xuyên ùn tắc vì đường sá quá nhỏ hẹp. Khi hệ lụy của việc "băm nát" quy hoạch đô thị được phơi bày, các cơ quan quản lý cần phải nhìn nhận lại vấn đề quy hoạch của Thủ đô.

Hà Nội xây dựng chung cư ồ ạt khiến tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên (Ảnh: Thái Nguyễn)

Hà Nội xây dựng chung cư ồ ạt khiến tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên (Ảnh: Thái Nguyễn)

Anh Chí Cường đang ở chung cư trên đường Lê Văn Lương bày tỏ sự không hài lòng với tình trạng chung cư dày đặc gây ùn tắc giao thông, thiếu thốn không gian công cộng... Tuy nhiên anh Cường cho rằng vì thời điểm đó với mức tài chính eo hẹp nên anh đành quyết định chọn căn chung cư tại đây dù biết rằng mật độ chung cư trên đường Lê Văn Lương rất lớn và tại đây thường xảy ra tắc đường.

"Thời điểm ấy, mức giá ấy và điều kiện tài chính lúc ấy thì không có lựa chọn. Các dự án chung cư có không gian công cộng rộng rãi thì hoặc là giá cao hơn, hoặc là không ở vị trí đắc địa", anh Cường chia sẻ.

Chị Vũ Mai đang ở chung cư tại dự án Thống Nhất Complex trên đường Nguyễn Tuân cũng cho rằng mật độ chung cư trên một số đường như Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân là rất lớn, trong khi nhiều dự án vẫn đang tiếp tục xây dựng. Trong khi, đường xá thường xuyên ùn tắc.

"Tôi đã ở đây hơn 3 năm rồi, hiện tượng tắc đường cục bộ xảy ra thường xuyên nối từ đường Nguyễn Tuân ra đến Lê Văn Lương. Số lượng dân cư sinh sống ở khu vực này rất đông, nhưng nhiều dự án chung cư vẫn còn tiếp tục bán nhà. Nếu phủ kín số lượng nhà ở tại các tòa nhà ở đây thì không biết tình trạng tắc đường còn nghiêm trọng đến mức nào", chị Mai lo lắng chia sẻ.

Không để tái diễn việc xây chung cư ồ ạt, yếu tố quản lý cần đặt lên hàng đầu

Mới đây, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, vừa ký, ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ "Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025" trên địa bàn TP. Hà Nội.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch Kiến trúc, chỉ chấp thuận, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ quy hoạch các dự án khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng các công trình nhà chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại... khi các nội dung đề xuất phù hợp với định hướng quy hoạch, tuân thủ các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu, quy định về chỉ tiêu diện tích bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các đường trục chính đô thị, không gia tăng áp lực gây ùn tắc giao thông.

Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề xây dựng các chung cư, nhà cao tầng phải tính toán đến yếu tố hạ tầng giao thông, phù hợp với quy hoạch không phải là mới. Quan trọng nhất là khi đưa ra một dự án quy hoạch phải thực hiện chính xác và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân chứ không phải thu lời cho doanh nghiệp.

Để tránh xây chung cư ồ ạt việc quan trọng nhất vẫn là vai trò quản lý của cơ quan liên quan (Ảnh: Thái Nguyễn)

Để tránh xây chung cư ồ ạt, việc quan trọng nhất vẫn là vai trò quản lý của cơ quan liên quan (Ảnh: Thái Nguyễn)

KTS Trần Huy Ánh cho rằng lấy ví dụ về một khu đất vàng, nếu không quản lý chặt chẽ thì thay vì phát triển đô thị đúng nghĩa, người ta sẽ chỉ phát triển các dự án bất động sản. Cuối cùng đó đơn thuần là các chung cư bê tông nằm cạnh nhau chứ không phải một không gian sống cho người dân với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng…Và mỗi mét vuông đều được bán giá rất cao. Trong khi, người dân đã và đang nếm trải cảnh tắc đường, khói bụi mỗi khi có việc đi qua tuyến đường "rừng bê tông".

"Chúng ta đang thiếu cơ chế minh bạch toàn bộ thông tin liên quan đến quy hoạch sử dụng đất để cộng đồng, xã hội giám sát. Bởi vậy mới phát sinh các vụ việc thực hiện "đúng quy trình" song vẫn cho ra kết quả sai tai hại", KTS Ánh chia sẻ.

ThS.KTS Nguyễn Anh Tuấn nhận định trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý. Đó là những cơ quan cố tình cấp phép xây dựng với mật độ dày đặc khi đã biết rõ hậu quả về mật độ dân số và ùn tắc giao thông. Còn về phía chủ đầu tư, chẳng có ai không mong muốn tối ưu hóa diện tích để bán được nhiều căn hộ.

Bên cạnh đó, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng Hà Nội cần sớm kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ sở sản xuất, trường học,… ra khỏi khu vực nội thành. Trong đó, phải ưu tiên sử dụng quỹ đất này để phát triển hạ tầng giao thông hoặc phục vụ mục đích công cộng.

"Kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, y tế, giáo dục, ngoại thành Hà Nội đã có rồi nhưng nhiều năm qua chưa triển khai được. Nếu không quyết liệt hoàn thành mục tiêu đó, ùn tắc giao thông sẽ còn kéo dài hơn nữa" ông Liên chia sẻ.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục