Hà Nội: Giá đất 4 huyện ngoại thành liệu có tạo nên “cơn sốt”?

28/03/2019 13:33 GMT+7
Đề xuất đưa 4 huyện gồm: Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm lên quận vào năm 2020 khiến giá đất bất ngờ tăng chóng mặt. Cần tỉnh táo trước những chiêu trò của cò đất.

Giá đất tăng “đột biến”

Ngày 26/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban công tác UBND thành phố tháng 3 và quý I/2019. Cùng với đó, UBND thành phố đã nghiên cứu, hoàn thiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, báo cáo Thành ủy để tổng hợp, trình Bộ Chính trị; Hoàn thiện các đề án xây dựng các huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020. Trước khi Hà Nội đưa ra việc “chốt” lộ trình 4 huyện lên quận vào năm 2020, thông tin về việc này đã được giới đầu cơ bất động sản rỉ tai nhau từ năm 2018, chính vì vậy, từ giữa và cuối năm 2018 giá đất tại 4 huyện trên bắt đầu có hiện tượng tăng mạnh.

Trao đổi với PV, anh Mạnh - nhân viên môi giới đất nền tại huyện Đông Anh chia sẻ: “Nếu những năm 2015 khi hàng loạt công trình “khủng” được triển khai như cầu Nhật Tân, Đông Trù, nhà ga T2 Sân bay Nội Bài thì cũng là lúc giá đất tăng mạnh. Đất “sốt” khiến giới đầu cơ ồ ạt mua bán, tuy nhiên sau đó bong bóng bất động sản vỡ. Tuy nhiên, một thời gian sau giá đất đã dần ổn định, nhưng đến thời điểm giữa năm 2018 bắt đầu lại tăng mạnh, thậm chí so với thời điểm hiện tại có nơi tăng từ 80 - 100% so với đầu năm 2018”.

Giá đất tại 4 huyện được đề xuất lên quận tăng chóng mặt

Theo khảo sát, tại một số vị trí đất nền, biệt thự, nhà liền kề được chào bán với giá từ 26 –30 triệu đồng/m2, gấp đôi so với hồi đầu năm 2018. Đất tại Xuân Canh, giá bị đẩy từ 20 triệu đồng/m2 lên 35 - 40 triệu đồng/m2. Đất khu Lễ Pháp, giá rao tăng từ 15 - 18 triệu đồng/m2 lên mức 30 - 35 triệu đồng/m2… Thậm chí, PV liên lạc với một “cò đất” tại đây thì được biết, giá nhà phân lô, chia nền lên đến 49 triệu đồng/m2 và được quảng cáo ô tô vào được, cách mặt đường Xuân Canh chỉ 20m.

Tương tự, tại khu vực đất phân lô Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cũng được nhiều môi giới báo giá “khủng”, giao động từ 55-65 triệu đồng/m2 trong khi đầu năm 2018, giá đất chỉ khoảng 30-40 triệu đồng/m2. Tại Hoài Đức, đất mặt tiền quốc lộ thị trấn Trạm Trôi đang được chào giá 120 - 130 triệu đồng/m2, dù thời điểm cuối năm 2017, giá chào bán chỉ là 80 - 110 triệu đồng/m2. Đất có vị trí đẹp tại các xã An Khánh, An Thượng được chào giá 30 - 37 triệu đồng/m2 trong khi thời điểm đầu năm 2018, giá chỉ quanh quẩn 23-28 triệu đồng/m2…

Tại Gia Lâm, đất trên đường An Đào A, Đào Nguyên A, giá chào bán hiện tại môi giới đưa ra dao động từ 38-45 triệu đồng/m2, trong khi mức giá đầu năm 2018 là từ 32-36 triệu đồng/m2.

Cẩn trọng với chiêu “cò thổi giá tạo cơn sốt đất ảo”

Thực tế cho thấy, lợi dụng thông tin và đề xuất 4 huyện sẽ lên quận vào năm 2020, giới đầu cơ bất động sản cùng môi giới đã tạo nên cơn sốt ảo, đẩy giá đất lên cao gấp đôi so với hồi đầu năm 2018. Trước năm 2018 khi giá đất đang dần ổn định, tuy có tăng nhưng không rầm rộ như thời gian qua thì việc mua bán/sang nhượng diễn ra hết sức bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thông tin 4 huyện lên quận đã khiến giới đầu tư, môi giới bất động sản tung ra nhiều thông tin và vô hình chung đẩy giá đất tại những khu vực này tăng cao, thậm chí nhiều khu vực tăng từ 60 - 100% so với trước kia.

Ảnh minh họa

Anh Đỗ Hoàng Việt - một nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm 15 năm hoạt động trong lĩnh vực này nhận định: “Giá đất tăng mạnh thời gian qua chủ yếu do dân môi giới tự câu kết với nhau “thổi” lên chứ thực tế giá trị của đất nền tại những khu vực này không tăng hơn nhiều. Các giao dịch chủ yếu là mua đi, bán lại giữa dân môi giới với nhau, việc người dân đầu tư vào đây nên cẩn trọng”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, việc giá đất tại 4 huyện sắp lên quận vào năm 2020 tăng đến 100% thời gian vừa qua là bất hợp lý. Lý giải nguyên nhân này, ông Đính cho hay: “Hiện tượng giá đất tăng đột biến tại 4 huyện chúng tôi đánh giá là bất hợp lý bởi bất động sản chỉ tăng theo tỷ lệ thuận với thực tế đầu tư. Trong đó, việc đầu tư ở đây là đầu tư đồng bộ, đầu tư vào hạ tầng, kỹ thuật, đường xá; đầu tư vào hệ thống xã hội như: Trường học, bệnh viện, thương mại; đầu tư vào hệ thống hạ tầng dịch vụ, cung cấp một cách tốt nhất cho cuộc sống người dân. Đến khi nào hoàn thiện được tất cả những yếu tố trên, theo đúng lộ trình về quy hoạch thì lúc đó giá trị bất động sản mới tăng lên mới tương xứng”.

Ông Đính nói: “Chỗ nào không tăng theo tỷ lệ trên, tăng bất hợp lý và không tương đồng với những khu vực đã hoàn chỉnh hạ tầng rồi thì phải xem xét lại. Ví dụ như một số dự án ở Đông Anh, Long Biên có những giá trị lên đến trên 100 tỷ đồng, có hợp lý không khi một số dự án ở Mỹ Đình, Nam Trung Yên… là những khu được đầu tư khá hoàn chỉnh về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hạ tầng dịch vụ. Nhưng giá bất động sản cũng chỉ dừng lại ở mức ổn định.

"Ở nhiều vị trí thuộc 4 huyện trên đang như một đại công trường điển hình ở Đông Anh chỉ có Cầu Nhật Tân, đường 5, đường nối với sân bay Nội Bài, ngoài ra chưa có gì nổi bật. Thậm chí, có những chỗ còn mênh mông đồng ruộng mà giá chào bán quá cao thì người dân phải xem lại”.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục