Hơn 500.000 ca nhiễm Covid-19 tại Châu Âu, 5 nền kinh tế lớn lao đao

04/04/2020 06:13 GMT+7
Tính đến hôm 3/4, toàn cầu báo cáo 1.027.157 ca nhiễm Covid-19 và 54.028 ca tử vong, theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO mới nhất. Trong đó, số ca nhiễm tại các quốc gia Châu u đã vượt quá 500.000 người.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) hồi cuối tháng 3 cảnh báo cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 sẽ khiến lượng khách du lịch quốc tế giảm mạnh 20-30% trong năm 2020 so với mức 1,5 tỷ lượt vào năm 2019. Sự sụt giảm này sẽ thổi bay 300-450 tỷ USD các khoản thu nhập từ dịch vụ du lịch, trong đó các công ty vừa và nhỏ được dự đoán chịu tổn thất nặng nề nhất.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết trong một báo cáo gần đây rằng đại dịch Covid-19 có nguy cơ làm giảm 30-40% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu trong năm 2020 và 2021.

Tổ chức Lao động Quốc tế thì công bố đánh giá sơ bộ cho thấy 25 người trên toàn thế giới có nguy cơ mất việc và hàng triệu người đối diện cảnh nghèo đói do tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Khi số ca nhiễm Covid-19 vượt quá 500.000 người với hơn 33.000 ca tử vong, các quốc gia Châu Âu rõ ràng đang đối diện với thách thức lớn về kinh tế. 5 nền kinh tế lớn trong khu vực là Đức, Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha đều nằm trong top những quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất thế giới. Những dự báo ban đầu về thiệt hại kinh tế với EU là không hề sáng sủa.

Đức

Hơn 500.000 ca nhiễm Covid-19 tại Châu Âu, 5 nền kinh tế lớn lao đao - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa trải qua giai đoạn cách ly do nghi ngờ mắc Covid-19

Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức (GCEE) - hội đồng tư vấn của chính phủ Đức dự báo GDP nước này sẽ giảm mạnh xuống 2,8% trong năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng có thể tăng trưởng trở lại 3,7% trong năm 2021, khi đại dịch đã được kiểm soát và nền kinh tế phục hồi hoạt động.

Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) cũng thống nhất dự đoán nền kinh tế lớn nhất Châu Âu chuẩn bị trải qua một cuộc suy thoái nghiêm trọng do hậu quả của đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu cũng như các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt tại Đức. Trong một kịch bản “rất tích cực”, tăng trưởng kinh tế Đức có thể giảm 0,3% trong khi một kịch bản ảm đạm hơn phản ánh khả năng suy thoái 1,5% trong năm 2020.

Dù GDP Đức vẫn tăng nhẹ trong quý I/2020 khi tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế chưa rõ nét, nhưng DIW tin rằng những chỉ số kinh tế quý II sẽ phản ánh trọn vẹn và sâu sắc những thiệt hại, đưa GDP quý II giảm tới 4,5%. Nhìn xa hơn, dự kiến đại dịch Covid-19 sẽ thổi bay khoảng 115 tỷ EUR (123,7 tỷ USD) của nền kinh tế Đức trong năm 2021 do những tác động dài hạn đến ngành sản xuất dịch vụ.

Các chuyên gia cảnh báo ngành công nghiệp ô tô Đức sẽ là một trong những ngành chịu thiệt hại lớn nhất, với khoảng 100.000 nhân công trong ngành có nguy cơ mất việc.

Pháp

Khoảng 4 triệu người Pháp, tương đương 1/5 thị trường lao động hiện đang nằm trong kế hoạch trợ cấp được chính phủ đưa ra để đối phó với những thiệt hại từ khủng hoảng dịch bệnh. Theo chương trình này, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động tối đa tới 4,5 lần mức lương tối thiểu trong nỗ lực kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp. Các khoản trợ cấp lương cho doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ giải quyết nhanh chóng, với trị giá ước tính lên tới hàng tỷ EUR. 

Bất chấp những nỗ lực xoa dịu tác động của dịch bệnh, chính phủ Pháp vẫn dự kiến GDP giảm 1% trong năm nay, lùi xa so với mức tăng trưởng 1,3% mục tiêu.

Italy

Hơn 500.000 ca nhiễm Covid-19 tại Châu Âu, 5 nền kinh tế lớn lao đao - Ảnh 2.

Một con phố du lịch ở Italy vắng tanh vì lệnh phong tỏa quốc gia

Nền kinh tế Italy ban đầu được dự đoán sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm 2020. Nhưng đó là trước khi đại dịch bùng phát tại quốc gia này, khiến hàng trăm nghìn người Italy nhiễm bệnh, buộc chính phủ phải phong tỏa đất nước nhiều tuần liền.

Tổng liên đoàn Công nghiệp Italy Confindustria hôm 2/4 dự kiến sản xuất công nghiệp trong quý I/2020 sẽ giảm mạnh 5,4%, mức giảm tồi tệ nhất trong 11 năm qua, khi hoạt động công nghiệp giảm 16,6% trong tháng 2, đưa chỉ số sản xuất trở lại mức 42 năm về trước. Còn Ngân hàng Italy thì cảnh báo GDP Italy trong năm nay sẽ giảm ít nhất 3%, tùy thuộc vào thời gian dịch Covid-19 bùng phát và mức độ nghiêm trọng của nó. 

Trong một tuyên bố riêng, Confindustria dự báo “nếu tình trạng khẩn cấp về sức khỏe do dịch Covid-19 chấm dứt vào tháng 5, chúng tôi ước tính GDP của Italy sẽ giảm 10% so với năm 2019 trong hai quý đầu tiên. Trung bình, trong cả năm 2020, GDP giảm khoảng 6%.”

Tây Ban Nha

Những số liệu thất nghiệp đang phản ánh tác hại sâu rộng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Tây Ban Nha. Trong tháng 3, 303.365 người mất việc và 3,55 triệu người hiện có nguy cơ mất việc trên tổng số 46,8 triệu dân Tây Ban Nha. 

Tại Madrid trong tháng 3, việc sử dụng hệ thống giao thông công cộng đã giảm mạnh 93% so với cùng kỳ năm trước do tác động của lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ Tây Ban Nha mới đây tuyên bố sẽ bơm thêm 200 tỷ EUR vào nền kinh tế trong nỗ lực xoa dịu những thiệt hại nặng nề.

Anh

Hơn 500.000 ca nhiễm Covid-19 tại Châu Âu, 5 nền kinh tế lớn lao đao - Ảnh 3.

"Chúng tôi phải làm bất cứ điều gì cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế", Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố.

Xếp hạng toàn cầu của Standard & Poor ghi nhận trong một tuyên bố gần đây rằng "khu vực đồng EUR và Vương quốc Anh đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế", và rằng “GDP của Anh và khu vực đồng EUR có thể giảm 2% trong năm nay do hệ lụy kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19”. Mức thiệt hại này tương đương với khoản lỗ 420 tỷ EUR trong GDP thực tế năm 2020 của Anh. 

Chính phủ Anh đã phải tung hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ 399 tỷ USD cho các doanh nghiệp vượt qua tình cảnh kinh tế khó khăn khi dịch Covid-19 leo thang. Đó là chưa kể khoản trợ cấp tiền lương lên tới 80% tối đa 2.500 bảng Anh (3.000 USD) trong ít nhất 3 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp giữ lại người lao động trong cuộc khủng hoảng đại dịch. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục