Hồng vành khuyên xứ Lạng mất mùa, thương lái lùng mua giá cao
Hồng vành khuyên, hồng Bảo Lâm là loại cây ăn quả đặc sản lâu đời của tỉnh Lạng Sơn.
Quả hồng vành khuyên thuộc nhóm hồng ngâm, quả to, tròn, căng mịn và có một vành khuyên xung quanh núm quả. Khi quả hồng càng già, vành khuyên càng hiện rõ. Hồng vành khuyên được trồng nhiều ở xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Hồng ưa sống trên đồi núi dốc, mùa đông rụng lá, xuân lại đâm chồi nảy lộc, người trồng chỉ phải dọn cỏ gốc.
Hồng là cây chịu hạn tốt nhất trong các giống cây nông nghiệp trồng tại vùng đất Lạng Sơn. Những cây hồng 10 tuổi trở lên thường cao 3-5m, cành nhỏ, giòn nên người dân dùng thang tre tự chế để trèo hái. Cây hồng có tuổi thọ gần trăm năm, cho thu hoạch cả tạ mỗi mùa.
Hiện nay, huyện Văn Lãng có 4 xã trồng nhiều giống hồng vành khuyên là Tân Mỹ, Hoàng Việt, Hoàng Văn Thụ, Hồng Thái.
Cũng như Văn Lãng, những năm gần đây người dân trên địa bàn xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc tích cực chuyển đổi nhiều diện tích trồng ngô, rau màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trong đó hồng không hạt Bảo Lâm là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ cũng rộng mở. Đây đều là sản phẩm chủ lực của địa phương. Trên địa bàn huyện hầu hết trồng các giống hồng này vì là cây bản địa, có chất lượng, năng suất, sản lượng ổn định nhất.
Tháng 5/2018, sản phẩm hồng Vành khuyên đã được chứng nhận là Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam. Đây là nền tảng để huyện tiếp tục thực hiện các quy trình và tiến tới việc dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hồng vành khuyên, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước. |
Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2019, thời điểm cây hồng đã đậu quả sai trĩu cành thì xuất hiện bệnh lạ làm những trái hồng non rụng đầy gốc, khiến người trồng hồng không khỏi xót xa.
Nếu năm ngoái, nhiều hộ dân trồng hồng thu từ vài tạ đến cả chục tấn hồng thì năm nay nguy cơ thất thu đã thấy rõ. Nhiều người dân cho biết những năm trước, cây nào cây nấy quả sai trĩu cành, phải dùng trụ để chống gãy đổ, nhưng năm nay cây chỉ còn lưa thưa vài quả, bởi đã rụng rất nhiều, tỷ lệ hồng rụng chiếm khoảng 60%, thậm chí có những cây quả rụng đến 80%.
Hồng rụng quả bắt đầu từ tháng 4 đến nay, rụng nhiều nhất vào thời điểm sau mỗi trận mưa.
Dẫn PV Dân Việt ra vườn hồng khoảng 200 gốc ngay sau nhà, anh Đinh Văn Sỹ (thôn Bản Luận, xã Hòa Cư) không giấu nổi nỗi xót xa: "Nhà tôi có khoảng 200 gốc hồng, năm ngoái cũng thu được vài tấn, cho thu nhập mấy chục triệu. Nhưng năm nay hồng bị bệnh lạ, quả non rụng đã gần hết. Năm nay chẳng có hồng mà ăn chứ đừng nói đến bán hồng”.
Là hộ gia đình có nhiều năm gắn bó với cây hồng, ông Hoàng Viết Sằm (thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) cho biết: "Nhà tôi có hơn 2,5ha hồng, trung bình sản lượng thu hoạch hơn 10 tấn/năm, gia đình có thu nhập hơn 160 triệu đồng/năm. Nhờ cây hồng này mà cuộc sống người dân ở đây thay đổi nhiều, nhà đất, nhà tranh được thay dần bằng những ngôi nhà xây khang trang hơn. Tuy nhiên năm nay vườn hồng của gia đình bị bệnh nên năng suất giảm đi rất nhiều”.
“Nếu năm ngoái gia đình thu hơn 10 tấn hồng/năm thì năm nay sản lượng chỉ còn đạt 5-6 tạ quả bán với giá 25.000- 26.000 đồng/kg. Năm này hồng ít nên thương lái khắp nơi về đây lùng mua với giá cao gần gấp đôi, những năm trước giá hồng chỉ khoảng 16.000 đồng/kg, nhưng thực sự buồn mà xót xa lắm, làm cả năm, lúc đậu quả rồi mới rụng đầy cả gốc”, ông Sằm nói.
Lượn một vòng quanh các khu chợ tại TP.Lạng Sơn, PV Dân Việt thấy những gánh hồng bán rong không còn nhiều như những mùa hồng trước.
Chị Nguyễn Hà Thu (phường Vĩnh Trại) cho biết: Hồng năm nay mất mùa nên giá rất đắt. Dịp trung thu vừa rồi chị tìm mua biếu bố mẹ mà còn không có. Có thì thương lái cũng bán với giá “chát” khoảng 50.000 đồng/kg, đắt gấp đôi so với năm ngoái.
Được biết, năm 2018, thu nhập từ cây hồng đạt khoảng 7 tỷ đồng. Cây hồng thực sự đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng từ cây hồng này. Hàng trăm hộ gia đình trồng hồng có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng, vươn lên thoát nghèo.
Vụ hồng năm nay, trước tình trạng quả rụng nhiều từ 60 – 70%, địa phương đã báo cáo phòng chuyên môn huyện, phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người dân về quy trình, biện pháp trồng, chăm sóc cây, hạn chế sự gây hại của sâu bệnh. Tuy vậy, hiện chưa khắc phục được tình trạng dịch bệnh hồng mất mùa, hiệu quả kinh tế thấp dù các cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu đã nhiều lần thử nghiệm các loại thuốc nhưng chưa thấy có hiệu quả.