Huawei ngấm đòn trừng phạt của Mỹ, Sony cũng lao đao theo
Mặc dù lượng chip xuất xưởng của Sony không giảm nhờ đơn đặt hàng tăng lên từ các thương hiệu smartphone Trung Quốc khác, nhưng doanh số bán hàng được dự báo không thể phục hồi cho đến năm tài chính 3/2022-3/2023 khi nhu cầu chip cảm biến hình ảnh smartphone của Huawei suy yếu.
Terushi Shimizu, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Sony Semiconductor Solutions, cho biết: “Chúng tôi dự kiến doanh thu sẽ không phục hồi sớm hơn năm tài chính bắt đầu từ tháng 3/2022”.
Đối với năm tài chính 2021, dự kiến lợi nhuận hoạt động của mảng kinh doanh chip nhà Sony sẽ giảm xuống 1,26 tỷ USD, năm giảm thứ hai liên tiếp. Điều này phản ánh những thay đổi trong cấu trúc thị trường smartphone từ tác động của cuộc chiến công nghệ Mỹ Trung.
Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC của Mỹ, thị phần smartphone toàn cầu của Huawei trong quý I/2021 chỉ khoảng 4%. Với việc lọt vào danh sách đen của Mỹ, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã ghi nhận thị phần giảm mạnh 14% so với cùng kỳ năm 2020. Khi Huawei tụt dốc, Samsung của Hàn Quốc, Apple của Mỹ và 3 nhà sản xuất smartphone Trung Quốc là Xiaomi, Oppo và Vivo đều nhân cơ hội để mở rộng thị phần.
Sony chiếm hơn một nửa thị phần thị trường chip cảm biến hình ảnh toàn cầu tính theo giá trị. Nhu cầu ngày càng tăng với camera smartphone độ nét cao đã cho phép Sony đẩy mạnh các lô hàng chip cảm biến hình ảnh công nghệ cao cho Apple và Huawei. Nhưng khi thị phần smartphone toàn cầu của Huawei giảm mạnh do lệnh trừng phạt của Mỹ, các lô hàng chip cảm biến hình ảnh của Sony cho Huawei cũng giảm theo.
Để bù đắp lại số lô hàng bị giảm do Huawei, Sony đã tăng cường các lô hàng cho 3 nhà sản xuất smartphone Trung Quốc là Xiaomi, Oppo và Vivo. Tuy nhiên, 3 nhà sản xuất này chủ yếu sản xuất dòng smartphone trung cấp và giá rẻ thay vì smartphone cao cấp như Huawei. Do đó, chip cảm biến cho những dòng smartphone này cũng có giá thấp hơn. Vì vậy mà dù lượng lô hàng xuất đi không giảm, doanh thu và lợi nhuận mảng kinh doanh chip của Sony vẫn chưa thể phục hồi.
Trong khi đó, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung xuất xưởng gần 300 triệu smartphone mỗi năm, hầu hết trong số đó có chip cảm biến hình ảnh do hãng tự sản xuất. Mặc dù nhu cầu nội tại khá ổn định, Samsung vẫn đẩy mạnh sản xuất chip cảm biến độ phân giải cao được sử dụng trong smartphone tầm trung vốn đang có nhu cầu ngày càng tăng trên thị trường.
Trên thị trường chip cảm biến hình ảnh toàn cầu, Samsung hiện có khoảng 20% thị phần, kém xa Sony với 50% thị phần. Hãng này đang tham vọng vươn lên bằng việc phát triển những công nghệ mới để sản xuất các dòng chip chất lượng hơn. Samsung hiện có một số lượng lớn các cơ sở sản xuất, bao gồm cả các cơ sở sản xuất chip nhớ và bộ xử lý trung tâm.
Về phần Sony, hãng này tham vọng chip cảm biến hình ảnh cho ô tô điện sẽ là thị trường tăng trưởng trong tương lai, dù rằng sẽ mất thời gian trước khi chuyển hướng và giảm bớt phụ thuộc vào thị trường smartphone. Hợp tác với dự án xe điện nguyên mẫu "Vision S", Sony có kế hoạch phát triển một chip cảm biến hiệu suất cao có khả năng phát hiện vật thể ngay cả trong bóng tối để bán cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ và châu Âu.
Chip cảm biến hình ảnh AI của Sony cũng có mặt trong hệ thống camera giám sát thông minh mà thành phố Rome sẽ đưa vào sử dụng vào tháng 6 này để tối ưu hóa hoạt động của xe buýt bằng cách dự báo tình trạng tắc nghẽn tại các điểm dừng xe buýt.
Mảng kinh doanh chip tập trung vào cảm biến hình ảnh được định vị như một động lực tăng trưởng chính của Sony. Năm tài chính 2019, mảng này đóng góp doanh thu hơn 1 nghìn tỷ Yen Nhật và tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu là 22%. Sony Semiconductor đang nỗ lực hồi sinh bất chấp những thách thức như thiệt hại xảy ra đối với nhà máy địa phương năm 2016 do một loạt trận động đất ở tỉnh Kumamoto.