Huyện Tư Nghĩa - Quảng Ngãi giữ vững vị trí dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính

10/12/2024 09:25 GMT +7
Những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Những kết quả nổi bật

Ông Trần Thiên Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: "Triển khai Chương trình chuyển đổi số, huyện Tư Nghĩa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện và chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân thay đổi nhận thức, xem công cuộc chuyển đổi số là thời cơ để hội nhập quốc tế toàn diện, phát triển bền vững; tích cực ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số để phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị, cộng đồng và xã hội...".

Huyện Tư Nghĩa - Quảng Ngãi giữ vững vị trí dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính- Ảnh 1.

Huyện Tư Nghĩa là địa phương đứng đầu trong bảng xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 và cũng là địa phương dẫn đầu 02 năm liên tiếp về chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: T.H.

Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính của UBND huyện Tư Nghĩa theo Quyết định số 1832/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và công bố: huyện Tư Nghĩa đạt 86,96/100 điểm (điểm 8 tiêu chí: 67,05 điểm, điểm điều tra xã hội học: 19,91 điểm), xếp thứ hạng 1/13 huyện, thị xã, thành phố (tăng 6,64 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2021).

Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính của huyện Tư Nghĩa đạt 88,78/100 điểm (điểm 8 tiêu chí: 66,49/72 điểm tối đa; điểm điều tra xã hội học: 22,29/28 điểm tối đa), xếp thứ hạng 1/13 huyện, thị xã, thành phố (tăng 1,82 điểm, giữ nguyên thứ bậc với năm 2022).

Huyện Tư Nghĩa - Quảng Ngãi giữ vững vị trí dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính- Ảnh 2.

Ông Trần Thiên Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa. Ảnh: T.H.

Những kết quả nổi bật đó đã góp phần giữ vững vị thứ về chỉ số cải cách hành chính của huyện Tư Nghĩa, minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của địa phương trong hành trình cải cách và đổi mới.

Trong đó, huyện có 5/8 tiêu chí đạt vị thứ rất cao so với các địa phương khác, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành (vị thứ 2/13); Cải cách thể chế (vị thứ 1/13 và đạt 100% số điểm tuyệt đối); Cải cách tổ chức bộ máy (vị thứ 1/13 và đạt 100% số điểm tuyệt đối); Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số (vị thứ 2/13); Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội (vị thứ 2/13).

Thúc đẩy kinh tế số

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, huyện Tư Nghĩa triển khai thực hiện Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý và theo dõi tình hình sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Với ngành chăn nuôi, địa phương ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với bò và lợn đã giúp cải tạo nhanh chất lượng đàn gia súc. Kết quả là sau quá trình lai tạo, tỷ trọng đàn bò lai trên địa bàn huyện ước đạt 95%.

Huyện Tư Nghĩa - Quảng Ngãi giữ vững vị trí dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính- Ảnh 3.

Công cuộc cải cách hành chính góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Tư Nghĩa phát triển nhanh, bền vững. Ảnh: T.H.

Điển hình như Công ty TNHH MTV Hà Tân đã sử dụng công nghệ giám sát trại chăn nuôi bằng hệ thống camera từ xa. Ngoài ra, để xử lý chất thải chuồng trại, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải nông nghiệp An Hội.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, huyện Tư Nghĩa thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng bằng phần mềm FRMS, sử dụng công nghệ giải đoán ảnh (GIS) và viễn thám trong công tác cảnh báo cháy rừng....

Những năm qua, địa phương đã phối hợp với các ban ngành hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm có lợi thế lên các sàn thương mại điện tử; quảng bá qua Trang thông tin điện tử Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như Hợp tác xã Nông nghiệp Rau sạch Mầm Việt (xã Nghĩa Hòa), Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao An Phát Quảng Ngãi (xã Nghĩa Kỳ).

Huyện Tư Nghĩa - Quảng Ngãi giữ vững vị trí dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính- Ảnh 4.

Tư Nghĩa hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Ảnh: T.N.

Người dân, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi số, tạo ra nhiều sản phẩm sạch đạt chất lượng cao, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Hiện nay, các trường học trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác giảng dạy, quản lý điều hành, giúp nâng cao chất lượng giáo dục.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chủ động hơn qua triển khai ứng dụng sổ sức khỏe điện tử; hệ thống camera an ninh, camera giao thông được trang bị giúp hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự; 100% xã, thị trấn đã được phủ sóng di động 3G/4G; mạng truyền dẫn cáp quang tới trung tâm xã đạt 100%....

"Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội. Do đó, huyện Tư Nghĩa sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp. Để từ đó đưa công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện đạt hiệu quả tích cực hơn nữa, góp phần nâng cao đời sống vật chất – tinh thần của người dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện phát triển toàn diện", ông Trần Thiên Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết thêm.

Tuyết Nhung - Trần Hậu