Kinh tế EU suy giảm là mối lo lớn hơn cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung

04/04/2019 14:27 GMT+7
Trong khi giới đầu tư đang đặt kỳ vọng vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ đem đến cú hích cho nền kinh tế toàn cầu thì phân tích khác lại cho rằng việc kinh tế châu Âu yếu đi còn rủi ro hơn nhiều

Sự yếu kém của kinh tế châu Âu khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel bối rối.

Trong khi giới đầu tư đang mải chú ý vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và hy vọng rằng thoả thuận giữa hai nước này sẽ đem đến cú hích cho nền kinh tế toàn cầu thì phân tích khác lại cho rằng việc kinh tế châu Âu yếu đi còn rủi ro hơn nhiều.

“Đối với các công ty vốn hóa lớn của Mỹ, suy thoái kinh tế ở châu Âu mang tới những rủi ro lớn hơn so với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”, ông Joe Quinlan, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường của ngân hàng Mỹ Bank of America nói. Theo hãng S&P Dow Jones Indices, đối với các công ty thuộc S&P 500, doanh số bán hàng ở nước ngoài đóng góp từ 43% đến 47% tổng doanh thu.

Trong một báo cáo nghiên cứu công bố vào hôm thứ Ba, Joe Quinlan đã viết “Đến nay, châu Âu vẫn là thị trường quan trọng nhất đối với các công ty đa quốc gia của Mỹ, là khu vực chiếm 55% thu nhập liên kết nước ngoài toàn cầu.” Ông cho biết thu nhập của các doanh nghiệp Mỹ ở châu Âu đạt mức kỷ lục 288 tỷ đô la trong năm 2018, tăng 7% so với năm trước. Trong khi đó, chi nhánh của các tập đoàn Mỹ tại Trung Quốc chỉ kiếm được 13,3 tỷ đô la, giảm 1,1% so với năm trước.

“Nói cách khác, quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương của Mỹ với Châu Âu đã được chứng minh là sẽ mang tới nguồn thu đáng kể, lợi nhuận từ EU tăng nhanh dù nền kinh tế châu Âu đang phát triển chậm lại”, ông Quinlan lập luận. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến cơ cấu quốc gia cũng như sự biến động về đầu tư có thể khiến các công ty đa quốc gia của Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trước, trong khi từ lâu nay thị trường châu Âu chiếm phần lớn thu nhập ngoài lãnh thổ nước Mỹ của các công ty này.

Trong khi các số liệu về kinh tế của Trung Quốc gần đây khá tích cực thì các số liệu của châu Âu lại không được như vậy. Theo khảo sát về chỉ số PMI (viết tắt của Purchasing Managers’ Index – Chỉ số đánh giá khái quát về hoạt động trong ngành sản xuất) do Markit công bố hôm thứ Hai vừa rồi, khu vực sản xuất của Đức đang bị thu hẹp. Các dữ liệu của Markit cũng chỉ ra rằng ngành sản xuất của Pháp và ngành dịch vụ của Anh cũng trong tình trạng suy giảm, nguyên nhân là do tương lai chưa rõ ràng trong quan hệ giữa Anh với Liên minh châu Âu.

Nghiên cứu của Yardeni: Biểu đồ thể hiện sự thay đổi trong số đơn đặt hàng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Đức qua các năm.

Ed Yardeni, chủ tịch của Yardeni Research đã lập luận trong một nghiên cứu công bố hôm thứ Tư rằng những số liệu này cùng với các số liệu khác nữa về châu Âu đã phản bác quan điểm cho rằng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc đã kìm chân kinh tế châu Âu do xuất khẩu giảm.

Xuất khẩu hàng hóa của Đức thực tế đã tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao kỷ lục trong tháng 12, trong khi số đơn đặt hàng mới và sản xuất công nghiệp trong tháng 1 giảm lần lượt 2,6% và 1,1%. Theo Yardeni thì nguyên nhân dẫn việc ngành sản xuất của Đức giảm sút là do những quy định chặt chẽ hơn về khí thải carbon của EU.

Theo Quinlan, gánh nặng về cơ cấu pháp lý chỉ là một trong số nhiều vấn đề khác đang đè nặng nền kinh tế châu Âu như giá dầu tăng, đồng euro mạnh hơn, mức thuế mới của Mỹ đối với thép và nhôm và tương lại không rõ ràng của Brexit. Điều này không liên quan đến Trung Quốc.

Có lý do chắc chắn để hy vọng rằng nền kinh tế châu Âu đã chạm đáy và sẽ bắt đầu phục hồi trong các quý tới. Matt Lloyd, chiến lược gia đầu tư của Advisors Asset Management cho rằng các cuộc cuộc biểu tình ở châu Âu và Anh từ đầu năm cho thấy thị trường đã tính đến mọi hậu quả có thể xảy ra do Brexit và các doanh nghiệp lớn ở châu Âu đã chuẩn bị sẵn sàng cho những kịch bản này.

Lloyd cho biết Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi “đã sẵn sàng làm những gì cần thiết để hỗ trợ các ngân hàng châu Âu và ngăn chặn suy thoái kinh tế”. Tuy nhiên, ngay cả khi những rắc rối mà châu Âu đang gặp phải không chỉ là do kinh tế Trung Quốc đi xuống thì châu Âu vẫn sẽ được hưởng lợi từ chương trình kích thích kinh tế khổng lồ mà Chính phủ Trung Quốc dự kiến tiến hành trong những tháng tới.

Dù ta nghĩ gì về tình trạng kinh tế của châu Âu thì cũng phải phải thừa nhận vai trò trung tâm của nó trong nền kinh tế toàn cầu. Khi khu vực sử dụng đồng tiền euro tăng trưởng chậm lại, khi Vương quốc Anh và EU vật lộn tìm giải pháp cho Brexit và khi chủ nghĩa dân túy ngày càng mở rộng ảnh hưởng ở lục địa này, doanh thu của các tập đoàn lớn của Mỹ sẽ phải chịu nhiều nguy cơ”, ông Quinlan viết. “Những gì xảy ra ở châu Âu sẽ không chỉ dừng lại ở châu Âu”.

Quỳnh Diệp (Theo MarketWatch)
Cùng chuyên mục