Kinh tế Trung Quốc bắt đầu lao đao vì virus Corona
Trong một cuộc họp báo đặc biệt hôm 26/1, giới chức Trung Quốc khẳng định dịch virus Corona hiện vẫn sẽ là một vấn đề khẩn cấp trong ngắn hạn. Trước mắt, đại dịch đã gây ra sự sụt giảm dễ thấy trong lượng khách du lịch quốc tế đến Trung Quốc cũng như chính dòng chảy du lịch nội địa.
Trong nỗ lực hạn chế virus lây lan, chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích mọi người cách ly tại nhà, hủy bỏ các sự kiện chào mừng năm mới. Một số thành phố, địa phương thuộc tỉnh Hồ Bắc thậm chí đã áp dụng các biện pháp đình chỉ giao thông công cộng, hạn chế di chuyển với phạm vi dân cư bị cách ly lên tới hơn 50 triệu người.
Ngành du lịch lao đao
Liu Xiaoming, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho hay trong ngày đầu tiên của năm mới âm lịch, các hoạt động du lịch đã giảm khoảng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, du lịch hàng không giảm 41,6%, du lịch đường sắt giảm 41,5% còn các hoạt động vận tải đường bộ giảm 25%.
Hôm 25/1, công ty đường sắt Thành Đô Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ dừng chạy một số chuyến tàu cao tốc chạy qua các địa phương đang là tâm điểm dịch Corona, trong đó có cả một số chuyến tàu dẫn đến Thượng Hải cho đến ít nhất đầu tháng 2. Động thái này dự kiến sẽ làm suy yếu hơn nữa lượng khách du lịch cũng như các hoạt động du lịch nội địa.
Ngành vật tư y tế thiếu hụt
Người dân Trung Quốc đã đổ xô đi mua khẩu trang y tế sau khi được chính quyền tuyên truyền về sự cần thiết sử dụng khẩu trang để ngăn ngừa virus lây lan. Tại một số địa điểm công cộng, người dân không đeo khẩu trang y tế đúng quy cách thậm chí sẽ bị phạt. Ở các vùng tâm chấn dịch bệnh như Vũ Hán, quần áo bảo hộ hay thiết bị đo nhiệt độ cũng được tiêu thụ mạnh mẽ.
Bắc Kinh sau đó thừa nhận cả nước đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung vật tư y tế trầm trọng, đặc biệt là tại Vũ Hán. Wang Jiangping, Thứ trưởng Bộ công nghiệp Trung Quốc hôm 26/1 cho hay: “Người dân cần tới 100.000 bộ quần áo bảo hộ mỗi ngày, nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc cao nhất chỉ khoảng chục nghìn bộ. Trang phục bảo hộ và khẩu trang y tế là hai mặt hàng đang thiếu cung đặc biệt”.
Trong nỗ lực đáp ứng các nhu cầu cung ứng vật tư y tế, ông Wang cho hay khoảng 40% các cơ sở sản xuất đã hoạt động trở lại bất chấp kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chính quyền các địa phương như Vũ Hán cũng đang huy động các mặt hàng vật tư y tế lưu kho từ những khu vực lân cận cũng như xây thêm bệnh viện dã chiến 1.000 giường để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân. Hơn 1.200 nhân viên y tế cũng được huy động đến Vũ Hán trong bối cảnh số ca nhiễm virus và nghi ngờ nhiễm virus Corona đang ngày một tăng lên.
Bộ Tài chính Trung Quốc hôm 26/1 cho hay một khoản trợ cấp 11,2 tỷ NDT (khoảng 1,6 tỷ USD) đã được phân bổ để mua các thiết bị, vật tư y tế và những nỗ lực khác để kiểm soát bệnh dịch lây lan.
Còn thành phố Bắc Kinh hôm 26/1 cũng tuyên bố kéo dài thêm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với các cấp học từ mẫu giáo đến đại học cho đến khi có thông báo tiếp theo để hạn chế lây lan virus trong môi trường học đường. Theo lịch ban đầu, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ kéo dài đến hết 30/1 âm lịch.
Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa công bố chính xác các tác động của virus Corona đến nền kinh tế trong nước. Nhưng nhiều chuyên gia phân tích nhận định những ảnh hưởng trong dài hạn là khó mà tránh được.